Tháng 11/2023, giá cà phê chỉ dao động ở mức 59.000-60.000 đồng/kg nhưng chỉ một tháng sau, giá mặt hàng này tăng vọt lên 69.000 đồng/kg, đến đầu năm nay vượt 80.000 đồng/kg.
Đà tăng giá của loại nông sản này vẫn chưa dừng lại khi sang tháng 3, giá đã vọt lên hơn 95.000 đồng/kg. Chỉ sau 5 tháng, giá cà phê đã tăng hơn 61% - đây là mức tăng kỷ lục của mặt hàng này từ trước đến nay.
"Giá lên cao và nhanh quá, không ai trở tay kịp", ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh chia sẻ.
Doanh nghiệp chật vật vì nguồn hàng
Mặc dù giá cà phê tăng cao nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết họ gặp khó trong việc thu mua nguyên liệu, nhiều đơn hàng phải chịu lỗ nặng mua giá cao để có hàng giao.
Theo ông Phan Minh Thông, giá cà phê liên tục tăng nên nhiều nông dân hạn chế giao hàng số lượng lớn cho các đại lý đã chốt giá trước đó.
"Đại lý không đủ hàng giao cho các nhà chế biến, còn doanh nghiệp xuất khẩu chịu cảnh thua lỗ vì mua cao, bán thấp. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào tình cảnh khó khăn vì đã cọc tiền nhưng không được giao hàng", ông Thông nói.
Với các công ty xuất khẩu và công ty nước ngoài, do hợp đồng xuất khẩu đã ký nên họ buộc phải mua cà phê giá cao để giao hàng. Giá lỗ lên tới hàng chục triệu đồng/tấn, trong khi hợp đồng cà phê thường kí từ hàng trăm đến hàng nghìn tấn.
"Hiện tại, giá cà phê Robusta của Việt Nam đang cao nhất thế giới, cao hơn cả Ấn Độ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang mua hàng từ Ấn Độ. Bên cạnh đó, trước tình hình giá Robusta cao và khó mua hàng như hiện nay, rất nhiều nhà rang xay lớn trên thế giới đã chuyển sang mua cà phê Arabica của Brazil nhờ mức giá ổn định hơn", Chủ tịch Phúc Sinh cho biết.
Trước bối cảnh giá cà phê tăng cao liên tục, bà Văn Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH Real Bean Coffee cho biết doanh nghiệp rang xay và xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Hàng năm giá chỉ khoảng 45.000-60.000 đồng/kg nhưng nay lên tới gần 100.000 đồng/kg.
"Giá nguyên liệu cà phê lên cao khiến các đối tác đặt hàng cầm chừng, doanh nghiệp nhập khẩu thay vì nhập số lượng lớn thì nay, thời điểm nào cần hàng họ mới chốt giá", bà Loan cho hay.
Vị này cho biết hiện doanh nghiệp xuất khẩu đang "căng như dây đàn" vì giá tăng liên tục mỗi ngày. Nhiều đơn hàng đã ký giá rẻ từ trước và phải bù lỗ để giao, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nguồn cung do người dân găm hàng, doanh nghiệp Trung Quốc đã gom số lượng lớn hàng thô từ trước.
"Giá cà phê tăng cao nhưng chỉ những doanh nghiệp lớn đầu cơ, gom hàng từ trước mới có lợi. Người nông dân từ đầu mùa vụ đã giao từ 1/3 đến 1/2 số lượng hàng để trang trải các chi phí, do đó hiện nay số lượng cà phê trong dân không còn nhiều", Giám đốc Công ty TNHH Real Bean Coffee nhìn nhận.
Theo vị này, để đối phó với tình hình giá cà phê tăng cao, công ty chọn cách không ký hợp đồng dài hạn với đối tác ngoại mà chốt giá theo thời điểm, đồng thời chấp nhận hòa vốn để giữ mối.
Chênh lệch cung - cầu
Theo bà Loan, giá cà phê tăng cao do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do biến đổi khí hậu khiến sản lượng cà phê giảm xuống, các vùng trồng ở Tây Nguyên cũng chuyển từ độc canh sang trồng cà phê và thêm nhiều loại cây khác như sầu riêng, chanh leo...
"Bên cạnh đó, nhu cầu cà phê Robusta cũng đang tăng cao ở nhiều nước trên thế giới thay vì chỉ chuyên dùng cà phê Arabica trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đặc biệt, những năm gần đây, Trung Quốc - đất nước tỷ dân cũng chuyển từ uống trà sang uống cà phê góp phần đẩy nguồn cung tăng cao", Giám đốc Công ty TNHH Real Bean Coffee lý giải.
Ngoài ra, theo bà Loan, các cuộc xung đột trên thế giới đã khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, đẩy giá cà phê lên cao. Hơn nữa, từ nay đến tháng 4, chỉ Việt Nam "một mình một chợ" có nguồn hàng cũng là nguyên nhân khiến giá cà phê ở nước ta tăng cao. Nhưng đến tháng 4, khi thị trường Brazil, Indonesia vào hàng trở lại, khả năng thị trường sẽ có sự điều chỉnh.
Tương tự, ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cũng nhìn nhận giá cà phê đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Vị này cho rằng giá cà phê liên tục tăng do tồn kho tại doanh nghiệp trong mùa vụ trước ở mức thấp, việc thiếu hụt tiếp tục kéo sang niên vụ 2023-2024 (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau). Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino cũng gây ảnh hưởng đến sản lượng cà phê. Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023-2024, sản lượng hụt khoảng 10%.
Ngoài ra, các cuộc xung đột trên thế giới, căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ đã khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, đẩy giá cà phê lên cao. Cuối cùng là hiện nhiều giới đầu tư trên thế giới đã chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ cũng khiến giá cà phê tăng nóng.
Dự báo thị trường cà phê trong thời gian tới, lãnh đạo hiệp hội này cho rằng giá sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, ông Nam khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê phải theo dõi sát diễn biến thị trường và cân đối nguồn hàng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam 2 tháng đầu năm đạt 438.000 tấn với 1,38 tỷ USD, tăng gần 28% về khối lượng và tăng 85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Cà phê là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đứng thứ hai về giá trị xuất khẩu trong các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu (sau gỗ và các sản phẩm gỗ).
Lũy kế 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2023-2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 764.802 tấn cà phê, với kim ngạch xuất khẩu trên 2,36 tỷ USD, tăng 1,5% về lượng và tăng gần 40% về giá trị so với cùng kỳ niên vụ trước.
Dẫn báo cáo hồi tháng 12/2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Nikkei Asia cho biết Việt Nam - nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới dự kiến cung cấp 26,6 triệu bao cà phê loại 60 kg trong niên vụ 2023-2024, giảm 12% so với dự báo trước đó.
Tại Indonesia - nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới, sản lượng cà phê cũng được dự báo giảm 20%. Ngoài thời tiết bất lợi như nhiệt độ cao, hạn hán ở Đông Nam Á do hiện tượng El Nino gây ra, một số nông dân đang chuyển sang các loại cây trồng có thể sản xuất ổn định hơn, trong đó có cao su và sầu riêng.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.