"Nhà mái rêu dày là sắp phải thay rồi đấy", bà Bàn Thị Chảy (66 tuổi) người bản Xà Phìn hóm hỉnh nói.
Độc đáo những mái nhà rêu ở Xà Phìn
Xà Phìn là một bản người Dao nằm trên độ cao hơn 1.000m giữa lưng chừng dãy núi Tây Côn Lĩnh. Nơi đây cách trung tâm TP Hà Giang khoảng 20km với thời gian di chuyển chừng 30-40 phút. Tuy khá gần thành phố, cung đường này chẳng dễ dàng với ai lái xe non tay.
Do ảnh hưởng của đợt gió mùa đông bắc cuối tháng 2, suốt một tuần nay, con đường vào bản chìm trong màn sương mù dày đặc. 14h, có lúc tầm nhìn chỉ xa cỡ 4-5m. Khi nào có gió thoảng qua, quang cảnh xung quanh mới rõ hơn một chút.
Qua những khúc cua ngoằn ngoèo, những lớp sương mù khi mờ khi tỏ, ngôi nhà sàn thấp thoáng giữa các thửa ruộng bậc thang của bản Xà Phìn dần xuất hiện.
Cũng lợp mái lá cọ như những ngôi nhà sàn dưới núi, nhưng ở đây những chiếc mái này thật đặc biệt: chúng phủ đầy rêu.
Với người dân ở đây, sự có mặt của loài thực vật này đã quá quen thuộc. Rêu trên mái nhà quanh năm. Mùa hè, rêu hơi khô và vàng do ánh nắng mặt trời. Còn mùa đông, độ ẩm cao, rêu lại phát triển xanh tốt.
"Để mái nhà có rêu phải mất 7-8 năm. Lớp rêu càng dày thì chứng tỏ ngôi nhà đó càng lâu đời. Nhiều nhà trong bản mình đã được làm cách đây cả 30 năm", anh Đặng Văn Hiệp - người dân bản Xà Phìn - chia sẻ.
Để dựng được nhà sàn, gia đình anh Hiệp đã phải chuẩn bị trước 5-6 năm, nhờ sự chung tay của anh em và cả bản. Mái nhà lợp lá cọ của người Dao thường dày, lợp bởi nhiều lớp lá cọ. Mỗi chiếc mái được làm từ 8.000 - 10.000 lá. Được dựng cách đây 15 năm, đến giờ mái nhà anh Hiệp đã được phủ kín rêu xanh mướt mắt.
Còn nhà anh Trương Văn Tuấn ở ngay đầu bản mới được lợp khoảng 10 năm nên đôi chỗ rêu còn chưa mọc kín.
"Rêu ở đây mọc tự nhiên do độ ẩm trong không khí cao, nhất là vào mùa đông gần như lúc nào bản cũng chìm trong sương mù, nhiều hơi nước.
Chúng cũng không ảnh hưởng gì đến đời sống của bà con mình. Mùa hè rêu còn giúp nhà mát hơn, mùa đông thì ấm, ngăn bớt sương giá", anh Tuấn bộc bạch.
"Vài chục hay hàng trăm năm sau, chúng mình vẫn giữ mái nhà rêu"
Ở nhiều bản vùng cao khác dưới chân dãy núi Tây Côn Lĩnh, người dân đã bắt đầu thay dần mái lá cọ sang mái tôn, mái ngói bởi độ bền cao hơn. Nhưng với người dân ở Xà Phìn, mái nhà rêu như một nét đẹp riêng của họ. Dù người trẻ hay người già, ai cũng mong muốn giữ mái nhà này.
Nhìn ngắm mái nhà rêu phong quen thuộc của chính gia đình mình, anh Hiệp hiểu rõ đó chính là một nét đẹp độc đáo để thu hút du khách ghé thăm.
"Ông bà mình ngày xưa làm như thế nào thì mình cũng làm vậy, không làm khác đi. Ở bản mình vẫn chủ yếu là mái lá cọ. Dù là vài chục năm hay hàng trăm năm sau, chúng mình vẫn giữa mái nhà rêu này", anh Hiệp quả quyết.
Vai đeo bị, tay cầm dao quắm để lên núi phát cây chuẩn bị vào vụ chè mới, bà Bàn Thị Chảy (66 tuổi) vẫn nán lại trò chuyện với du khách.
"Nhà mái rêu dày là sắp phải thay rồi đấy. Mái nhiều rêu là nhà nhiều năm rồi. Mái lá cọ này bền được khoảng 40 năm. Lá cọ mục đi thì mình phải lợp mái mới", bà Chảy hóm hỉnh nói.
Bà Chảy bảo từ khi sinh ra bà đã sống ở Xà Phìn rồi. Nhà bà là nhà mà ngay trước cửa có một cây bích đào, một cây đào rừng khoe sắc mỗi độ xuân sang. Du khách tới là lại chụp ảnh trước nhà bà.
"Du khách đến đây thích mái nhà rêu này lắm. Ngày nào cũng thấy khách đến là bà thấy vui", bà Chảy cười nói.
16h, nắng chợt lên sau hơn một tuần thiếu vắng. Ánh nắng cuối chiều như rắc vàng trên những ngôi nhà sàn mái rêu phong, khiến chúng như lấp lánh xanh. Cả bản Xà Phìn yên bình với tiếng nói cười của lũ trẻ, của tiếng chim ríu rít gọi nhau.