Dọc đường đất nước: Màu xanh bao la bên bờ sông Hậu

(Baohatinh.vn) - Những ngày vừa qua, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có chuyến trải nghiệm dọc đường đất nước, từ miền Trung đến miền Tây Nam bộ. Càng đi càng thấy đất nước ta thật tươi đẹp, non sông hùng vĩ, bờ biển yên bình và căng tràn sức sống.

Mỗi miền quê có những vẻ đẹp riêng nhưng điều rút ra là ở đâu thiên nhiên và con người hài hòa chung sống, đặc biệt là con người có ý thức gìn giữ môi trường thì ở đó thiên nhiên ban tặng cho con người những món quà vô giá. Hà Tĩnh Cuối tuần trân trọng giới thiệu với bạn đọc chùm bài Dọc đường đất nước.

Thành phố Cần Thơ nằm bên bờ sông Hậu từ lâu được nhiều người nhắc đến là một trong những “điểm du lịch xanh” hấp dẫn của cả nước. Cần Thơ lưu giữ trong đôi mắt người một thế giới xanh bao la, từ ruộng đồng, sông nước đến những khu vườn sinh thái ngào ngạt hương hoa và cây trái.

Một thành phố nên thơ, nên nhạc

Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai đi tới đó lòng không muốn về.

Tôi đã nghe câu ca dao ấy từ lâu, hôm nay mới được đặt chân tới thành phố này. Đang vào cao điểm mùa hạ, tới Cần Thơ, chúng tôi như đi trong miên man màu xanh cuộn chảy. Màu xanh của những cánh đồng lúa bất tận trải rộng hai bên đại lộ. Vườn nối vườn một màu xanh trù phú.

doc duong dat nuoc mau xanh bao la ben bo song hau

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là nơi giao thương buôn bán của 6 tỉnh miền Tây Nam bộ. Ảnh:Internet

Thành phố Cần Thơ có diện tích hơn 1.401 km2, dân số hơn 1,4 triệu người. Đã bao đời nay, nghề mưu sinh của họ là sản xuất lúa và làm vườn. Khí hậu tốt, đất đai màu mỡ, phì nhiêu. Trời Cần Thơ chẳng bao giờ hạn, đất Cần Thơ ít khi bị ngập úng. Người dân vừa “gieo sạ” hôm nay, hôm sau đã thấy “sạ” xanh kín đồng, đến vụ là dong xe gặt hái, chở lúa về nhà. Người Cần Thơ không chỉ giỏi làm lúa, làm vườn mà còn giỏi buôn bán, ý thức hòa nhập cộng đồng. Ý thức ấy thể hiện từ lời ăn tiếng nói, từ sự giao tiếp văn hóa rất “Cần Thơ”... Là thành phố trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, trên trục đường giao thương giữa vùng tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, Đồng Tháp Mười và TP Hồ Chí Minh nên Cần Thơ không chỉ có thế mạnh về nông nghiệp mà thương mại và du lịch cũng rất phát triển.

Đêm TP Cần Thơ, cả đất trời như hòa trong ngũ sắc ánh sáng. Ánh sáng của những ngọn đèn lồng giăng đầy trong quán cà phê vườn, trên khách sạn nổi. Ánh sáng rực rỡ trên các tượng đài, ngã tư đường phố càng tăng thêm nhịp sống náo nhiệt và sầm uất. Thùy Dung - nữ nhà báo trẻ với giọng nói nhỏ nhẹ, dễ thương dẫn anh em chúng tôi thả bộ trên bến Ninh Kiều. Những chiếc thuyền đang khoan thai lướt trên sóng nước mênh mông. Thuyền có 2 tầng, tầng nào cũng có tiếp viên phục vụ cà phê, nước giải khát, nước hoa quả. “Ngồi tựa mạn thuyền”, du khách tận hưởng gió mát, thả hồn mình cùng mây nước, những câu vọng cổ… Thuyền cập bến, mọi người hớn hở lên bờ, đủ các thành phần già, trẻ, khách du lịch nước ngoài. Các “phó nháy” như đã đợi sẵn từ lâu, đon đả mời khách chụp hình lưu niệm.

Một người bạn ở đây kể cho tôi nghe về lai lịch bến Ninh Kiều, xưa là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ, được thực dân Pháp xây dựng từ thế kỷ XIX. Từ khi ngăn sông, mở bến, Ninh Kiều trở thành tụ điểm buôn bán nhộn nhịp của người dân 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Bây giờ, Ninh Kiều đã đẹp hơn xưa nhiều. Với dự án đầu tư nâng cấp hàng trăm tỷ đồng, hiện hữu trước mắt mọi người một cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á. Một công viên du lịch có diện tích hơn 7.000 m2 với bức tượng đồng Bác Hồ cao lồng lộng. Cả bốn mùa, bến Ninh Kiều đều tràn ngập ánh sáng lân tinh của TP Cần Thơ, âm thanh tiếng đàn, tiếng nhạc và bước chân du khách.

Đi chợ nổi Cái Răng

Đúng 4h sáng, theo lời hẹn, anh Trương Văn Chuyển - Tổng Biên tập Báo Cần Thơ đón chúng tôi đi thăm chợ nổi Cái Răng. Vào mùa hạ, ngày dài ra, đêm ngắn lại, tôi vừa tỉnh giấc đã nghe tiếng vịt kêu quang quác phía bờ sông.

Tôi hỏi anh Chuyển: “Sao từ nãy tới giờ vịt kêu rộn lên thế ?”. Anh Chuyển cười đáp: “Vùng này lắm chim, đặc biệt, vịt nhiều, dân ở đây nghiện “nhậu” cháo vịt lắm. Các quán đang nấu cháo vịt để phục vụ khách”.

Tới bến, mấy anh em chúng tôi cùng ngồi trên một chiếc thuyền máy đã chờ sẵn... Thuyền nổ máy, sóng nước dào lên nhìn rõ từng ánh lân tinh lốm đốm chạy theo. Cả bến Cái Răng mênh mông, màu nước xanh ban ngày giờ vẫn đang dát màu hạt nhãn vì bóng đêm chưa tan. Từng cụm lục bình dạt ra xa khi có thuyền qua lại. Anh Chuyển cho biết: “Cần Thơ là vùng cận sông, cận nước, lại lắm đặc sản cây trái và tôm cá. Giao lưu buôn bán chợ nổi đã có từ lâu, khách mua và khách bán cả 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hầu hết đều đổ dồn về đây. Khách Tây và khách ta, ai tham quan du lịch cũng thích đi chợ nổi. Chợ bắt đầu họp từ 3h sáng và tan trước 6h sáng. Điều khiến ai cũng ấn tượng là đi chợ nổi chọn được hàng thật, cân đong chuẩn xác, giá mềm hơn hàng trên bờ nhiều”.

Chiếc thuyền máy chạy chưa đầy mười phút, phía Đông, bầu trời nhuộm màu hồng, cả bến Cái Răng đã san sát thuyền ghe. Thuyền lội xuôi, ghe đi ngược. Thuyền nào, ghe nào cũng chất đầy hàng trong khoang. Để cho khách hàng nhận biết sản phẩm, mỗi con thuyền, con ghe, các chủ nhân đều dựng lên một cây sào cao và treo sản phẩm lên đó. Từ hàng hoa quả đến hàng hải sản, khách chỉ cần giơ tay vẫy là họ tiếp cận được ngay. Vốn đã quen nghề buôn bán trên sông nước từ bao đời, nên mọi thứ đều thao tác rất linh hoạt.

Tôi đang rướn mắt, chớp mấy “pô” ảnh, chợt nghe tiếng người con gái sau lưng: “Mời cà phê nóng nghen, mấy anh...”.

- Cà phê thơm lắm, thưởng thức tý xem sao?

Vừa nói, anh Chuyển vừa giục cô gái rót từng ly cà phê mời chúng tôi. Ly cà phê đen nguyên chất còn nóng hôi hổi, khiến mọi người ngồi trên khoang thuyền tỉnh táo và vui vẻ hẳn lên. Lê Thông, một đồng nghiệp ở Báo Thừa Thiên Huế gật gù: “Lần đầu tiên, tôi uống cà phê “dạo” giữa nước, ngon chẳng kém gì cà phê tiệm...”.

doc duong dat nuoc mau xanh bao la ben bo song hau

Cầu Cần Thơ

Cô gái từ tốn: “Tụi em phải biết giữ khách chớ. Khách uống mà chê thì tụi em sống sao nổi “anh Hai”?

Nói xong, chiếc xuồng kia lại lướt nhanh như cắt, bóng cô gái mất hút giữa rừng thuyền dày đặc. Chợt một chiếc ghe chạy từ hướng Tây tới, rồi rẽ sát cạnh thuyền chúng tôi. Một người đàn bà trạc bốn mươi và thằng nhỏ đang chèo ghe giúp mẹ khoảng mười lăm tuổi nhanh nhẹn lấy cả xấp túi ni-lông ra để đựng trái cây bán cho khách. Người mẹ đon đả:

- Các anh, các chị mua xoài đi.

- Xoài có ngon không?

- Cứ thử trước đi, không ngon không lấy tiền “cha

nội” ạ.

Vừa nói, chị vừa gọt nhanh quả xoài và nhẹ nhàng đưa cho mỗi người nếm thử. Xoài miệt vườn Cần Thơ có vị ngọt, thơm riêng. Xoài vừa hái, có quả nhựa còn dính đầy trên cuống. Một cân xoài ở đây giá chỉ 25.000 đồng, mẹ con chị lướt ghe chưa đầy một tiếng đã “cạn” hàng.

Thuyền càng đi, chúng tôi càng thấy sự phong phú của cây trái miền Nam ở vùng chợ nổi. Không chỉ có xoài ngon mà đủ các loại quả tươi ròng, nào sầu riêng, măng cụt, dứa, mãng cầu, chuối đến những mẻ cá tươi bỏ trong chậu nhựa còn quẫy đuôi đành đạch.

Thăm khu vườn mộng mơ

Từ chợ nổi Cái Răng, anh em Báo Cần Thơ lại dẫn chúng tôi đi thăm vườn Mỹ Khánh. “Từ lâu, làng du lịch Mỹ Khánh ở huyện Long Điền đã trở thành “khu vườn mộng mơ” của đông đảo du khách. Với diện tích rộng hơn 4 ha, bốn mùa cây trái sum suê, Mỹ Khánh đã trở thành miệt vườn đẹp nhất đồng bằng sông Cửu Long. Vào đây có nhiều thú vui tao nhã, có nơi ăn uống, nghỉ dưỡng, du khách có thể thưởng ngoạn dài ngày tùy theo sở thích. Ai muốn vào sâu trong vườn để xem cây trái thì được ăn quả chín miễn phí”. Thu Phương, cô hướng dẫn viên du lịch dáng người thon nhỏ trong bộ trang phục áo dài màu xanh da trời, trên tay cầm một chiếc loa nhỏ giới thiệu.

doc duong dat nuoc mau xanh bao la ben bo song hau

"Cần Thơ gạo trắng nước trong"

Theo bước chân cô, chúng tôi tới thăm một ngôi nhà cổ làm bằng gỗ quý hiếm rất đẹp, bàn ghế, phản, tủ đều khảm trai. Thu Phương kể lại sự tích ngôi nhà này, chuyện ông chủ tá điền ruộng nhiều, chuyện tình giữa ông với bà vợ cả, vợ lẽ… Rồi cô dẫn khách xem khu đua lợn, đua chó... Cuộc đua của những con vật này chỉ diễn ra chưa đầy mười phút. Một trò chơi khá độc đáo!

Càng đi, tôi càng thấy tĩnh tâm đến lạ. Giữa khu vườn rợp bóng cây xanh ấy, các con đường nhựa ngang dọc, chỗ nào cũng thấy ghế đá và võng mắc sẵn ở hai đầu cây. Thấp thoáng dưới bóng cây xanh là những ngôi nhà gỗ được lợp bằng mái lá, mái ngói bình dị, những hồ nước hình bán nguyệt trong như mắt ngọc. Một hồ rộng nuôi hàng trăm con cá sấu, được rào chắn bằng lưới thép dày, chúng nằm sát bên nhau im thin thít. Thấy khách lạ, chúng nghển cổ, há rộng miệng đầy răng cưa rồi lại bò đi. Dọc ngang miệt vườn mọc lên các quầy bán hàng lưu niệm...

Càng về trưa, khu vườn gió càng thổi mát rượi. Trong nắng xanh, gió xanh, tôi thấy mùa hè ở đây thật kỳ lạ!

(Còn nữa)

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.