Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19, chiều 2/8. Ảnh: VGP |
Một “Bộ Chỉ huy tiền phương” được thành lập và chốt chặn quyết liệt ở tâm điểm Đà Nẵng. Còn trên cả nước tác chiến theo cách “lửa” ở đâu khoanh ở đó, cả nước không “đóng băng” dập dịch như thời kỳ trước.
Lựa chọn đối đầu như vậy là một lựa chọn mang tính “sinh tử”, bởi chỉ một ly sơ sẩy sẽ vỡ trận.
Thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để “ổ dịch”, các khu vực nguy cơ cao tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm.
“Chính phủ vẫn có thể lựa chọn giải pháp giãn cách toàn xã hội, kêu gọi người dân ở nhà như hồi tháng 3, tháng 4”, Thủ tướng chia sẻ, “chắc chắn người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy định cũng như lời kêu gọi của Chính phủ và cứ thế thì cuộc chiến với dịch bệnh cũng dễ dàng hơn”.
Nhưng theo ông, “dịch bệnh đã và đang thách thức sức chịu đựng của Nhân dân, thách thức sức chịu đựng của nền kinh tế. Chính phủ phải có ý thức trách nhiệm cao hơn nữa, quyết tâm nhiều hơn nữa, dũng cảm nhiều hơn nữa đẩy lùi dịch bệnh”.
Lo cho sức chịu đựng của Nhân dân bao nhiêu, Chính phủ siết chặt bấy nhiêu kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; siết chặt chỉ đạo tuyệt đối không lơ là, chủ quan nhưng cũng không được quá hoang mang, dao động mà đình trệ mọi hoạt động.
Từ tâm điểm Đà Nẵng, giữa thời khắc nóng bỏng, các bệnh viện, kể cả bệnh viện bị coi là ổ dịch siêu lây nhiễm cũng sẵn sàng mở cửa trở lại, tiếp tục công việc chữa bệnh cứu người.
Ba bệnh viện gồm Bệnh viện C, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng hiện cách ly. Dự kiến ngày 7/8, Bộ Chỉ huy tiền phương sẽ đánh giá, tổ chức xét nghiệm lại COVID-19 cho toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế và bác sĩ ở đây, nếu bảo đảm an toàn thì công bố kế hoạch mở cửa.
Cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Hóa học phun khử khuẩn, tiêu độc khử trùng trên địa bàn quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Ảnh: VGP |
Lo cho sức chịu đựng của nền kinh tế bao nhiêu, Chính phủ sát sao bấy nhiêu trong chỉ đạo các địa phương, nhất là tại các đô thị, trung tâm kinh tế lớn, các nhà máy, xí nghiệp, không được ngăn sông, cấm chợ, gây trở ngại cho sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chủ động, kịp thời thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn lây lan dịch bệnh song cần hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi đến đời sống của người dân và các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Thực tế của 4 tháng trước, các địa phương trên cả nước đều có tinh thần cảnh giác rất cao trước dịch bệnh và đặc biệt là tập trung hăng hái diệt “giặc”, không bóng “giặc” cũng truy diệt.
Như tại Hải Phòng, thành phố duy nhất trực thuộc Trung ương, địa phương duy nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ không có ca mắc COVID-19, vậy mà vòng vây “diệt giặc” đã lên tới 4 lớp bảo vệ, 2500 tổ, chốt kiểm soát và từng có thời điểm cứ phương tiện giao thông mang biển số ngoại tỉnh, đến Hải Phòng là phải… quay đầu.
Cũng may mắn là nội lực của Thành phố Hoa phượng đỏ rất lớn nên mặc dù thắt chặt, nhưng kinh tế nơi đây vẫn phát triển. 6 tháng đầu năm GRDP của Hải Phòng tăng gần 11%, cao nhất cả nước.
Hiển nhiên, Hải Phòng đã trở thành trường hợp hy hữu. Cùng một khí thế hăng hái như Hải Phòng, kết quả mang lại là có tới 12 tỉnh, thành phố tăng trưởng âm. Tại hai đầu tầu kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM qua 6 tháng, GRDP đã ở mức tăng thấp chưa từng có.
Đáng buồn hơn cả là Đà Nẵng, là thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng GRDP của Đà Nẵng âm 3,61%. Thành phố đang triển khai kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động khôi phục kinh tế với 3 kịch bản, thì bỗng chốc trở thành “vùng chiến sự” và làm cả nước nín thở hướng về.
Lựa chọn cách đối đầu sinh tử với dịch bệnh, Chính phủ chưa một lời nào trách cứ Đà Nẵng, thay vào đó, Thủ tướng yêu cầu 7 bộ dồn lực dập dịch ở thành phố này và các địa phương cùng dồn lực.
Bộ Y tế, các bệnh viện đầu ngành của cả nước như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế… trực chiến cùng Đà Nẵng.
Bộ Y tế cử đến những cán bộ, giáo sư, chuyên gia tinh nhuệ nhất. 5 đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) có mặt ở Đà Nẵng từ tuần cuối của tháng 7. Đại học Y dược TPHCM và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đồng loạt chi viện.
Đoàn cán bộ 33 người, gồm 8 bác sĩ và 25 điều dưỡng của Hải Phòng đều là những cán bộ giỏi về chuyên môn, cao về y đức, có sức khỏe tốt, được Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông Lê Văn Thành, giao Sở Y tế chọn lựa bay vào Đà Nẵng.
Hải Phòng còn hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam mỗi địa phương 5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Thành phố cùng 200.000 khẩu trang y tế. Hà Nội hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam mỗi địa phương 1 tỷ đồng, đồng thời, hỗ trợ cho Đà Nẵng 100.000 khẩu trang y tế và 224 chai rửa tay sát khuẩn, Thanh Hóa hỗ trợ Quảng Nam 1 tỷ đồng…
Các y bác sĩ Bình Định sẵn sàng xung kích hỗ trợ Đà Nẵng - Ảnh: Cổng TTĐT Bình Định |
25 y, bác sĩ Bình Định xung phong đầu quân ra tiền tuyến, theo phương châm giúp Đà Nẵng cũng chính là giúp địa phương mình, giúp cả nước chặn đứng dịch bệnh...
Những người anh hùng áo trắng từ ba miền Bắc,Trung, Nam hội ngộ ở Đà Nẵng, sẵn sàng cam tâm tình nguyện ở lại hỗ trợ tối đa cho đến khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Họ cùng vang lời ca gửi hậu phương, “chiến thắng trận này anh lại về bên em…”
Bản thân Đà Nẵng cũng rất gắng sức. Cung thể thao Tiên Sơn chỉ sau 5 này, với hơn 500 công nhân thi công 24/24 giờ đã trở thành bệnh viện dã chiến Đà Nẵng.
Dịch bệnh quay trở lại đúng lúc nền kinh tế, theo mô tả của Thủ tướng, “đang ốm yếu, nếu để ốm nặng hơn thì rất khó gượng dậy”.
Thủ tướng không chỉ lo cho sức khỏe của nền kinh tế mà như ông thường nhấn mạnh, “mọi chỉ đạo điều hành của Chính phủ đều phải hướng tới lòng dân”. Mà lòng dân lúc này, nếu để uể oải hơn thì rất khó động viên.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực giáo dục, hồi tháng 3, gần như 100% phụ huynh tán thành việc đóng cửa trường học để con em mình học trực tuyến. Hình thức học trực tuyến cũng được xem là nhiều ưu việt.
Song, theo cảnh báo của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres về “một cuộc khủng hoảng học tập do đại dịch mà có thể coi là một thảm họa thế hệ, gây lãng phí tiềm năng của con người, làm suy yếu hàng thập kỷ tiến bộ và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng".
Đến giữa tháng 7/2020, hơn 160 quốc gia đã phải đóng cửa trường học, ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ học sinh. Ít nhất 40 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã bị lỡ năm học mầm non quan trọng, hơn 250 triệu trẻ em trong độ tuổi đến trường đã phải nghỉ học…
Một cách quyết đoán, khác hoàn toàn với tâm thế thúc thủ hồi tháng 3, Bộ Giáo dục và và Đào tạo không thay đổi kế hoạch thi THPT Quốc gia.
Điều đó đồng nghĩa, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương sẵn sàng tinh thần trách nhiệm rất cao trong đối đầu với dịch bệnh.
Nhận định những ngày tháng 8 là thời khắc quan trọng trong cuộc chiến với COVID-19 lần này, Chính phủ quyết dập dịch trong thời gian sớm nhất.
“Tất cả hãy cùng cố gắng để hơn 22 triệu các cháu học sinh, sinh viên đều có thể đến đúng ngày tựu trường và mọi người dân đều có thể mau chóng trở về cuộc sống bình thường”, Thủ tướng tin, “chúng ta chiến thắng”.
Người dân cũng tin, mọi miền đất nước sẽ lại trong cảnh đẹp đến xao xuyến tựa như ngày “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh.
"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng…”