Những giờ thực hành Toán của học sinh lớp 5, TrườngTiểu học Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh) trở nên hấp dẫn, dễ hiểu hơn bởi các hoạt động nhóm.
Cách đây ít năm, mô hình “Lớp học đảo ngược” (Flipped Classroom) của cô Phạm Thị Ngọc Mai - giáo viên Địa lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ) đã trở thành một trong những “hiện tượng”, thu hút sự quan tâm của giáo viên các trường trên địa bàn Hà Tĩnh.
Cô Ngọc Mai chia sẻ: “Với mô hình giáo dục mới, mỗi giờ học đã trở thành một diễn đàn. Giáo viên đóng vai trò là người điều tiết, hỗ trợ, còn học sinh là chủ nhân, tự mình khám phá kiến thức. Ngoài việc thảo luận nhóm, các em còn được tương tác, kết nối, chia sẻ trực tuyến với chuyên gia và nhiều lớp học khác trên các vùng miền và nước ngoài qua phần mềm Skype”.
Những tiết học trải nghiệm ở Trường Mầm non Thạch Long (Thạch Hà) mang lại sự hứng thú,giúp trẻ thể hiện năng khiếu, ý tưởng sáng tạo.
Từ sự mạnh dạn đi đầu của những nhân tố điển hình, phong trào đổi mới dạy học đã lan tỏa đến tất cả trường học trong toàn tỉnh. Các trường đã chủ động rà soát, điều chỉnh, đổi mới chương trình dạy học đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng; ưu tiên kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị thông minh; khai thác lợi thế của công nghệ thông tin để phục vụ cho từng bài giảng. Việc đổi mới phương pháp dạy học cũng được vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp với từng môn học, cấp học, từ đó phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của HS.
Thư viện xanh với khuôn viên thoáng mát tạo điều kiện cho học sinh trong việc tìm hiểu thêm nhiều kiến thức mới.
Thầy Nguyễn Đức Dân - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện (Hương Sơn) cho biết: “Việc đổi mới phương pháp giảng dạy được chúng tôi vận dụng linh hoạt theo từng môn học, phân loại HS. Đặc biệt, cán bộ, giáo viên nhà trường đã phát huy được ưu thế công nghệ thông tin trong giảng dạy, khai thác các học liệu mở trên internet, thực hiện mô hình trường học kết nối… Nhờ đó, chất lượng giáo dục ngày càng chuyển biến tích cực. Năm học 2019-2020 vừa qua, trường có 21 em được công nhận HS giỏi tỉnh lớp 9, trong đó có 5 giải nhất; chất lượng đại trà xếp thứ 3 toàn tỉnh”.
Dạy học qua trải nghiệm thực tế của Trường THPT Phan Đình Phùng (thành phố Hà Tĩnh).
Sự đổi mới mạnh mẽ, bền bỉ trong những năm qua đã giúp ngành GD&ĐT Hà Tĩnh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong 5 năm (2015-2020), Hà Tĩnh đã có trên 500 em đạt HS giỏi quốc gia các môn văn hóa, trong đó, 4 năm liền nằm trong top 5 tỉnh có tỷ lệ HS đạt giải quốc gia cao nhất cả nước; 3 HS đạt giải tại các kỳ thi HS giỏi quốc tế và khu vực; nhiều HS đạt thành tích cao tại các cuộc thi sáng tạo KHKT cấp quốc gia và những sân chơi trí tuệ khác.
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, học đi đôi với hành góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Luồng gió đổi mới giáo dục đã làm thay đổi tư duy, không ngừng thúc đẩy sự sáng tạo của mỗi giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục. Đó cũng là hành trang, động lực để Hà Tĩnh tự tin triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình mà năm học 2020-2021 là năm khởi đầu.