Đổi mới phương thức lãnh đạo - chìa khóa thành công!

(Baohatinh.vn) - Lâu nay chúng ta nói nhiều về sự cần thiết phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhưng so với yêu cầu thì kết quả đạt được chưa tương xứng, đòi hỏi các cấp ủy ở Hà Tĩnh, nhất là người đứng đầu cần tìm giải pháp thiết thực, hiệu quả, tạo đột phá mới cho vấn đề này.

doi moi phuong thuc lanh dao chia khoa thanh cong

Bí thư Huyện ủy Đức Thọ Võ Công Hàm động viên cán bộ, cấp ủy và nhân dân thôn Hoa Lâm (Đức Lâm) xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bá Tân

Đổi mới để tạo bước đột phá

“Đổi mới phương thức lãnh đạo” là đổi mới cách thức tiến hành công việc lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng đối với một địa phương, đơn vị cụ thể. Theo đó, cách thức, lề lối lãnh đạo cũ sáo mòn, bao giờ cũng đi với sự trì trệ, bảo thủ, hiệu quả thấp kém; đổi mới, năng động, sáng tạo thì sẽ tạo ra bước đột phá đưa địa phương phát triển, đi lên. Tiến trình đó không chung chung, xa vời mà nó hiện hữu trong tập thể lãnh đạo, trước hết và trên hết là vai trò của bí thư cấp ủy với tư cách người đứng đầu.

Qua các cuộc kiểm tra, dễ thấy thực trạng chung là “đổi mới phương thức lãnh đạo” còn nhiều bế tắc, lúng túng, diễn ra ở cấp trên cơ sở và nhất là cấp cơ sở. Trong khi nói, cấp ủy Đảng lãnh đạo bằng nghị quyết, thông qua nghị quyết thì đây lại chính là điểm yếu cốt tử của nhiều nơi.

Có những cấp ủy cả nhiệm kỳ không ban hành được các nghị quyết thực sự có “sức nặng” nhằm vào những mũi trọng tâm, khâu đột phá, những vấn đề bức thiết nhất do thực tiễn đơn vị đặt ra. Hoặc có nơi ban hành nghị quyết nhưng mang tính hình thức, đối phó, thiếu tính khả thi; tổ chức thực hiện thì hời hợt, thiếu kiểm tra đôn đốc, đánh giá kết quả. Tình trạng đó đã không khơi dậy được sức mạnh của hệ thống chính trị, không tạo được chuyển biến sâu rộng với sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.

Những năm qua, khắc phục tình trạng đó, với sự tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, với tinh thần chủ động sáng tạo, nhiều nơi đã tạo chuyển biến tích cực, toàn diện, được đánh giá cao như các đảng bộ: Thành phố Hà Tĩnh, Thạch Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân... là các điểm sáng cần rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn tỉnh.

doi moi phuong thuc lanh dao chia khoa thanh cong

Cần nhân rộng, lan tỏa việc đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII và đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Trong ảnh là thôn Thượng Nguyên (xã Thạch Kênh, Thạch Hà). Ảnh: Mạnh Hà

Bắt đầu từ khâu ban hành nghị quyết

Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy là chìa khóa của mọi thành công. Trước hết là ở khâu ban hành nghị quyết lãnh đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra đánh giá kết quả. Trên cơ sở chương trình toàn khóa, mỗi cấp ủy cần xác định các mũi trọng tâm, khâu đột phá để ban hành nghị quyết tập trung lãnh đạo. Ưu tiên là các vấn đề như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng NTM, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cải cách hành chính, đảm bảo QPAN. Đây là việc cực kỳ quan trọng, đảm bảo sự lãnh đạo đúng hướng, hiệu quả, thể hiện tư duy sáng tạo, khẳng định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một tổ chức Đảng và của cấp ủy hiện nay.

Trên cơ sở nghị quyết ban hành, phải chú trọng khâu tổ chức thực hiện bằng sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát, cụ thể, nói đi đôi với làm, cần có cơ chế chính sách, nguồn lực hỗ trợ. Cần tạo sự chuyển biến về nhận thức đến hành động, từ đó tạo phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Làm tốt việc phân công cán bộ chỉ đạo, giúp đỡ cơ sở tìm biện pháp tổ chức thực hiện nghị quyết, gắn trách nhiệm người đứng đầu và từng cấp ủy viên.

Lãnh đạo thì phải kiểm tra, buông lỏng kiểm tra coi như không lãnh đạo. Vì vậy, trước các việc mới, việc khó, cần đề cao công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Qua đó, phát hiện điển hình để biểu dương, nhân rộng; đồng thời, nghiêm khắc phê bình những nơi yếu kém, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong tổ chức thực hiện. Cũng qua “cọ xát thực tiễn” mà phát hiện cán bộ giỏi, làm căn cứ cho quy hoạch, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ chủ chốt của các cấp trong thời gian tới.

Thực tiễn đã khẳng định, tầm tư duy, sáng tạo của Đảng bộ Hà Tĩnh trong lựa chọn các nhiệm vụ KT-XH có tính chiến lược và mặc dù phải giải quyết nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã mang lại bước chuyển mình mạnh mẽ cho tỉnh nhà. Bài học đổi mới ấy, tinh thần ấy cần được nhân rộng, lan tỏa trong toàn tỉnh, tạo sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo, hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII và đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

Đọc thêm

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Sáng 25/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Lễ công bố quyết định về việc phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư thay đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và trao Quyết định của Bộ Chính trị.