Đổi tên Luật Bảo vệ phát triển rừng thành Luật Lâm nghiệp là đúng

(Baohatinh.vn) - Đó là quan điểm của Phó Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn trong phát biểu thảo luận tại hội trường trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV về dự án Luật Bảo vệ phát triển rừng (sửa đổi), diễn ra hôm nay (19/6).

doi ten luat bao ve phat trien rung thanh luat lam nghiep la dung

Phó Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu thảo luận

Trước hết, đại biểu cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng. So với luật năm 2004 của Quốc hội khóa XI thì dự thảo lần này đã có những tiếp cận toàn diện hơn, đầy đủ hơn các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển nền nông nghiệp toàn diện, trong đó có phát triển ngành lâm nghiệp.

Đại biểu cho rằng, trong giai đoạn phát triển mới cần có sự tiếp cận ngành lâm nghiệp toàn diện hơn, nhất là tính chất xã hội, giá trị trong bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, giá trị kinh tế và cả bảo vệ tổ quốc, rừng gắn với biên cương quốc gia, gắn với quản lý và sử dụng đất.

Từ việc tiếp cận mới như trên, đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với Tờ trình của Chính phủ là đổi tên Luật Bảo vệ và phát triển rừng thành Luật Lâm nghiệp, để khẳng định rõ vị trí pháp lý của ngành mang tính toàn diện trong phạm vi điều chỉnh của lĩnh vực lâm nghiệp.

Theo đại biểu, công tác bảo vệ và phát triển rừng nằm trong chuỗi hoạt động của lâm nghiệp, theo đó mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật ở các hoạt động. Thực ra trong dự thảo cũng đã có mở rộng về kinh doanh, chế biến, thương mại lâm sản, gắn với làm rõ các chính sách về nguồn lực, về đất đai cũng như tổ chức và quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Thứ hai, về phân loại và phát triển rừng, qua nghiên cứu ý kiến của nhiều cử tri, đại biểu đề nghị nên phân 2 loại rừng cho dễ hiểu và dễ thực hiện. Đó là rừng bảo vệ và rừng sản xuất. Trong rừng bảo vệ thì có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và một số rừng đặc dụng theo vùng biên cương, biên giới... Quy định này quy định rõ các tiêu chí trong luật để Chính phủ và Bộ Nông nghiệp hướng dẫn và tổ chức thực hiện phân loại một cách chính xác.

Thứ ba, phân loại về ranh giới rừng, đại biểu đề nghị ranh giới rừng gắn với đất nên bổ sung trong giải thích từ ngữ về đất rừng, ranh giới rừng phải gắn với định vị về đất đai, nhất là rừng sản xuất, vì khi thu hoạch rừng rồi thì vẫn còn đất lâm nghiệp và mối quan hệ với Luật Đất đai, phần này chúng ta nên điều chỉnh cho phù hợp. Do đó, cho thấy những khái niệm về lô, về khoanh, về tiểu khu, đã quy định rõ trong luật thì giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường để có hướng dẫn, tổ chức thực hiện đồng bộ trong quản lý và sử dụng.

Thời gian vừa qua, việc giao đất, giao rừng và những tranh chấp lớn nhất không chỉ tranh chấp về rừng mà cơ bản là những tranh chấp về đất đai cần có vai trò vào cuộc rõ nét của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường để xử lý vấn đề này.

Thứ tư, luật đã quy định rõ các tổ chức lực lượng trong việc bảo vệ và phát triển rừng, cần xử lý đồng bộ hơn trong mối quan hệ giữa chủ rừng, lực lượng bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm và chính quyền các cấp. Điểm này, ngoài quy định rõ thì yêu cầu mối quan hệ phối hợp chặt chẽ. Thực tế, trong mối quan hệ vẫn còn những chồng chéo nên ảnh hưởng đến bảo vệ, phát triển rừng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về phát triển lâm nghiệp.

Cuối cùng, đại biểu đề nghị về chính sách phát triển lâm nghiệp đã có quy định ở các điều như khoản 3 Điều 64, các chính sách hỗ trợ giống, các yếu tố kĩ thuật hoặc Điều 79 về cơ chế, chính sách phát triển chế biến thương mại, lâm sản và Điều 89 về triển khai đầu tư trong lâm nghiệp. Quy định như vậy thấy vẫn chưa được đầy đủ, cần có những điều quy định chính sách đối với rừng biên giới, rừng biên cương Tổ quốc, đồng bào dân tộc thiểu số. Ở những vùng này, phải quy định rõ và có chính sách cụ thể cùng với phát triển rừng, tạo môi trường cũng như nâng cao đời sống cho bà con và bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Về chính sách đầu tư cho rừng nghèo phát triển, tạo giá trị về môi trường, đây là một yếu tố hết sức quan trọng, do đó đề nghị nên đưa vào chương quản lý nhà nước về lâm nghiệp một mục về chính sách, tạo thành một tổng hợp tổng thể chính sách về lâm nghiệp cho rõ. Cần nhóm các chính sách này về một chỗ, nếu không sẽ rất phân tán trong chính sách bảo vệ rừng, vì luật ngoài quy định trách nhiệm thì chính sách, cơ chế chính sách là một yếu tố tác động rất cần thiết.

Đại biểu đề nghị nhóm lại thành 1 mục riêng trong quản lý nhà nước, trong đó có phần chính sách để đầu tư phát triển rừng.

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.