Ðổi thay trên vùng quê cách mạng

(Baohatinh.vn) - Trở lại Sơn Châu (Hương Sơn - Hà Tĩnh) ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ nét trên vùng quê cách mạng này. Sắc xanh sinh sôi, màu vàng no ấm, sự sầm uất của một khu thương mại - dịch vụ vùng hạ Hương Sơn đang hình thành dáng vóc… là minh chứng cho sự năng động của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của người dân trong việc hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.

doi thay tren vung que cach mang

Sơn Châu là một trong hai xã đầu tiên của huyện Hương Sơn về đích NTM

Với người dân Sơn Châu, ký ức, niềm tự hào về những tháng ngày sục sôi của người dân mất nước trong cao trào Xô viết luôn sống mãi. Niềm tin tất thắng ấy đã như ngọn lửa trong trái tim của mỗi người, hâm nóng nhiệt huyết, ý chí và quyết tâm xây dựng, gìn giữ một cuộc sống hòa bình, no ấm. Lật mở từng trang lịch sử truyền thống cách mạng ở Sơn Châu mới thấy hết sự kiên cường, anh dũng trong đấu tranh của thế hệ cha anh để góp phần làm nên độc lập.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Châu Trần Xuân Hòa không giấu nổi niềm tự hào: “Nói đến Sơn Châu là mọi người lại nghĩ ngay đến di tích lịch sử đình Tứ Mỹ. Ngôi đình tồn tại hơn 100 năm này đã chứng kiến biết bao thăng trầm trong cuộc sống của dân làng. Quan trọng hơn, chính nơi đây đã gieo mầm hạt giống cách mạng khi chi bộ Đảng đầu tiên của huyện được thành lập tại đây”.

Dưới sự áp bức, đô hộ của thực dân, phong kiến, ngọn lửa căm hờn trong trái tim những người cộng sản đã bùng cháy, lan rộng trên khắp vùng rừng núi Hương Sơn. Đình làng Tứ Mỹ không chỉ là nơi hội họp bí mật của chi bộ, nơi sinh hoạt văn hóa của bà con mà cũng đã trở thành địa điểm khởi nguồn cho các cuộc biểu tình, tranh đấu đòi quyền lợi của người dân vùng hạ Hương Sơn trong cao trào Xô viết 1930-1931.

doi thay tren vung que cach mang

Đình Tứ Mỹ - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Hương Sơn.

Địa chỉ cách mạng này cũng đã trở thành nơi người thân, họ hàng, làng xóm tiễn đưa con em nối gót cha ông lên đường với quyết tâm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trải qua hơn thế kỷ, với 3 lần trùng tu, tôn tạo trên nền cũ, di tích lịch sử quốc gia đình làng Tứ Mỹ hôm nay vẫn vững chãi, uy nghiêm như nhắc nhớ thế hệ cháu con niềm tự hào về cái nôi cách mạng của quê hương. Đây cũng đã trở thành nơi sinh hoạt của Đảng bộ xã và là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Xây dựng cuộc sống mới

Về Sơn Châu hôm nay, chúng tôi thực sự cảm nhận được sự đổi thay nhanh chóng trên vùng quê cách mạng này. Đường làng, ngõ xóm trải bê tông sạch đẹp; màu ngói đỏ ẩn hiện thấp thoáng sau những khu vườn mẫu, niềm vui hiển hiện trên từng khuôn mặt người dân. Cùng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Sơn Châu là một trong hai xã đầu tiên của huyện Hương Sơn về đích NTM.

doi thay tren vung que cach mang

Người dân Sơn Châu đầu tư xây dựng vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, vùng đất khó năm xưa đã phát huy tiềm năng, lợi thế, vươn mình mạnh mẽ. Thôn Nam Đoài là một trong những dẫn chứng điển hình. Anh Trần Đình Công - Bí thư chi bộ thôn cho biết: “Sự đầu tàu gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tính dân chủ, công khai, minh bạch trong việc lấy ý kiến đóng góp, huy động nguồn lực đã tạo sức mạnh đồng thuận giữa bà con lương - giáo trong các phong trào xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Từ một vùng khó khăn nhất xã, nay Nam Đoài đã trở thành một trong những vùng kinh tế mạnh với lợi thế chăn nuôi, đặc biệt là phát triển đàn hươu”.

Tin tưởng vào đường lối của Đảng, quyết tâm thay đổi cuộc sống đã khiến những người dân chân chất nơi đây năng động tìm hướng đi phù hợp, mạnh dạn tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Năng suất cây trồng theo đó ngày càng tăng. Mũi nhọn kinh tế từ đàn hươu với những thế mạnh về nguồn thức ăn và kinh nghiệm nuôi hươu truyền thống của bà con đã góp phần nâng tổng đàn hươu toàn xã lên hơn 1.400 con. Không những mở rộng quy mô, những năm gần đây, người dân Sơn Châu đã sàng lọc để đào thải những giống hươu kém chất lượng, nhân giống có chất lượng nhung tốt để nâng cao giá trị đàn hươu.

Ông Nguyễn Đình Nam (thôn Nam Đoài) cho biết: “Đến nay, đàn hươu của gia đình mỗi năm thu hoạch bình quân từ 1,2 - 2 kg nhung/con, tương ứng từ 12-20 triệu đồng. Nguồn thu từ dịch vụ xay xát, nuôi cá và chăn nuôi mà trong đó đàn hươu là chủ lực đã mang về cho gia đình tôi mỗi năm trên 200 triệu đồng”.

Ấn tượng trong bức tranh kinh tế ở Sơn Châu là tập trung phát triển đa dạng hệ thống TM-DV, xây dựng, mua bán tổng hợp, mua bán, chế biến nông sản, các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, xã hội hóa chợ… Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có 2 mô hình kinh tế cho thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm; gần 60 mô hình mỗi năm cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên; tỷ trọng TM-DV trong cơ cấu kinh tế chiếm 30%. Đời sống người dân đã thực sự bước sang trang mới.

Tiếp bước truyền thống vùng quê cách mạng, dưới sự chỉ lối soi đường của Đảng, bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn và sự đồng thuận của lòng dân, Sơn Châu đang ngày càng vững bước trên con đường thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, củng cố vững chắc các tiêu chí NTM, đưa xã nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.