Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sinh ra ở vùng quê cách mạng, chứng kiến cảnh đất nước lầm than, Nhân dân bị bóc lột, đồng chí Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.
Chân dung đồng chí Lê Hồng Phong. Ảnh Internet.
Cuối năm 1923, đồng chí Lê Hồng Phong cùng người bạn thân là đồng chí Phạm Hồng Thái bí mật sang Xiêm (Thái Lan) gặp các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1924, Lê Hồng Phong sang Quảng Châu (Trung Quốc) gia nhập nhóm Tâm Tâm xã và sau đó được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng. Kể từ đó, đồng chí Lê Hồng Phong quyết tâm đi theo con đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Năm 1925, Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, thời gian này, đồng chí được học tập toàn diện về quân sự và chính trị.
Sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), tháng 11/1931, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong về nước để lãnh đạo việc khôi phục, phát triển tổ chức Đảng, đưa cách mạng Đông Dương vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tháng 3/1934, đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (còn gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng), chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Đại hội lần thứ I của Đảng.
Ngôi nhà ở làng Đông, xã Hưng Thông (Hưng Nguyên), nơi Tổng Bí thư Lê Hồng Phong cất tiếng khóc chào đời. Ảnh: Đào Tuấn/ Báo Nghệ An.
Từ ngày 25/7 - 21/8/1935, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản họp tại Moscow (Liên Xô).
Cùng đó, tháng 3/1935, Đại hội lần thứ I của Đảng diễn ra thành công, đồng chí Lê Hồng Phong (được bầu vắng mặt) làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tháng 7/1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc), đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương bổ sung Nghị quyết Đại hội lần thứ I, chuẩn bị về mọi mặt để đưa phong trào cách mạng chuyển sang cao trào 1936-1939.
Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về Sài Gòn, cùng Trung ương tích cực chỉ đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới. Tháng 3/1938, đồng chí tham dự Hội nghị BCH Trung ương Đảng, góp phần vào việc thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất Đông Dương, đấu tranh chống phát xít...
Quang cảnh Lễ giỗ lần thứ 80 của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại Khu lưu niệm mang tên đồng chí ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), tháng 8/2022. Ảnh: Thành Cường/Báo Nghệ An.
Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn và kết án 6 tháng tù giam, 3 năm quản thúc. Ngày 23/12/1939, chúng đưa đồng chí về quản thúc tại quê nhà ở Nghệ An. Ngày 20/1/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại Khám Lớn, Sài Gòn; cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Suy kiệt sức khỏe vì nhiều tháng ngày bị giam cầm, tra tấn trong lao tù, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6/9/1942.
Trước lúc đi xa, đồng chí Lê Hồng Phong còn căn dặn: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong là dịp để chúng ta tri ân công lao, đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng thời tuyên truyền, giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, trọn đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân. Những đóng góp to lớn, sự hy sinh cao cả, đạo đức trong sáng của đồng chí sống mãi trong lòng Nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay… Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”.
Học tập, noi gương đồng chí Lê Hồng Phong và các bậc cách mạng tiền bối, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị ở Hà Tĩnh đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
* Bài viết biên soạn theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương.