Ông Dương Xuân Thâu - Chủ tịch Hội đồng họ Dương Hà Tĩnh giới thiệu truyền thống hiếu học của dòng họ |
Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “Thiên Nam nhất đại Dương tộc”, tựa là “dưới trời Đại Nam (nước Việt) có một dòng họ Dương to lớn”. Kỳ thực, họ Dương ở Việt Nam chiếm tới 10% dân số cả nước.
Theo chiều dài lịch sử, thời nào, họ Dương cũng có những con người xuất chúng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Bắt đầu từ thời sơ khai có Dương Lạc Tướng phò vua Thủy tổ Kinh Dương Vương. Thời kỳ Bắc thuộc nghìn năm, thế kỷ I có Dương Thi Sách cùng vợ là Trưng Trắc; thế kỷ IX có Dương Thanh; thế kỷ X có Dương Đình Nghệ, Dương Tam Kha. Xây nền tự chủ có Thái hậu Dương Vân Nga, có tướng quân Dương Tự Minh nhiều lần đánh thắng giặc Tống bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc. Thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ có Dương Đình Hậu (Cai Hậu - Phó tướng của Đề Thám), Dương Văn Hạnh (Phó tướng của Trương Định), Dương Quốc Chính, Dương Bá Trạc, Dương Minh Châu...
Ở Hà Tĩnh, theo thống kê sơ bộ của Hội đồng họ Dương, toàn tỉnh hiện có 167 nhà thờ họ. Trong đó, 120 nhà thờ đã được tôn tạo và xây mới; một số xã như: Thạch Kim (Lộc Hà), Thạch Hội (Thạch Hà)... có đến trên 5 nhà thờ. Không chỉ có quy mô rộng khắp, dòng tộc họ Dương thời kỳ nào cũng có anh hùng hào kiệt. Tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), trong số 82 văn bia ghi tên 1.304 tiến sỹ thì có 21 người họ Dương. Trong số 21 người này, Hà Tĩnh có 3 người gồm: Dương Chấp Trung - Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Thìn (1448), quan Hữu thị lang Bộ Hình quê ở xã Sài Xuyên, Kỳ Hoa (nay là xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên); Dương Trí Dũng - Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Ất Sửu (1565), quan Hữu thị lang Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Binh, quê xã Nhân Lộc (Can Lộc); Dương Trí Trạch - Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Tân Mùi (1691), đi sứ nhà Minh, quan Thượng thư Bộ Lễ, quê xã Nhân Lộc, Can Lộc.
Họ Dương có khắp các huyện, thành phố, thị xã ở Hà Tĩnh nhưng ông tổ của dòng họ thì ở Cẩm Xuyên. Hiện nay, mộ tổ Dương Công Phùng được tôn tạo thành một quần thể lăng mộ, yên ngự ở núi đầu voi thuộc địa phận xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên). Hàng năm, con cháu họ Dương từ Bắc vào Nam đều hành hương về đây để thắp hương lên mộ tổ.
Ông Dương Xuân Thâu - Chủ tịch Hội đồng họ Dương Hà Tĩnh cho biết: “Thạch Khê (Thạch Hà), Nhân Lộc (nay là xã Gia Hanh - Can Lộc), Lạc Đạo (nay là Gia Lâm, Hà Nội) là 3 cái nôi chính của họ Dương. Từ 3 cái nôi này, con cháu họ Dương tỏa đi khắp mọi miền đất nước”.
Trải bao biến thiên của thời cuộc, họ Dương Việt Nam đã có mặt khắp các vùng đất xa xôi của Tổ quốc, nhưng dù ở đâu, họ vẫn luôn hướng về cội nguồn. Đó cũng là lý do sau khi giải phóng miền Nam, người họ Dương 3 miền đã tự tìm đến nhau để thành lập ban liên lạc, tiền thân của Hội đồng họ Dương hiện nay. Đây là một tổ chức dòng họ nhưng mang tính xã hội để chăm lo phát triển, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là khuyến học, khuyến tài. Hiện, cả nước có 43 tỉnh, thành thành lập hội đồng họ Dương. Mỗi năm, vào dịp đầu xuân năm mới, Hội đồng họ Dương Việt Nam lại tổ chức lễ hội để con em khắp mọi miền Tổ quốc cùng quần tụ, sum vầy. Năm 2016, Hội đồng họ Dương Việt Nam trích nguồn quỹ 7,3 tỷ đồng để vinh danh các cụ cao tuổi và con em đậu đạt. Nguồn quỹ này do con em họ Dương thành đạt đóng góp, tài trợ.
Những hoạt động thiết thực của họ Dương Việt Nam đã khơi dậy mạnh mẽ truyền thống hiếu học, niềm tự hào riêng của dòng tộc, đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong lộ trình xây dựng Việt Nam trở thành một xã hội học tập, những đóng góp, cách làm thiết thực của họ Dương đã tô thắm truyền thống hiếu học khoa bảng của đất học Hồng Lam.