Những con đường của tâm hồn và trí lực
Cùng chúng tôi trở lại chiến trường Đồng Lộc, bà Thái Thị Cương - nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng Đội phó Tổng đội TNXP 55 chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc lại bồi hồi nhắc đến những cung đường, điểm tên từng người lãnh đạo tổng đội, các đại đội, địa chỉ đóng quân, phân bổ địa hình làm việc và những người đã anh dũng hy sinh.
Bà Thái Thị Cương - nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng Đội phó Tổng đội TNXP 55 hội ngộ đồng đội tại Ngã ba Đồng Lộc lịch sử. Ảnh Đình Nhất
Dẫu tuổi cao, sức yếu nhưng với bà, những ngày tháng cùng 1.000 TNXP đảm bảo giao thông trên các tuyến đường huyết mạch thuộc 6 xã khu vực Ngã ba Đồng Lộc nối với đường 15A trên tuyến đường Trường Sơn vẫn hiện lên mồn một. Bà nhắc nhiều đến Khe Út, Khe Giao, cầu Tối, cầu Tùng Cốc, Cống 19 Phú Lộc, cầu Bạng, Truông Kén, Bãi Dịa, Ngã ba Đồng Lộc… - những địa điểm ác liệt trên con đường của lứa tuổi 20 mà bà, đồng đội cùng các lực lượng và đông đảo Nhân dân các xã đã làm nên, cho xe ra tiền tuyến.
Với sự từng trải của một cựu lãnh đạo Tổng đội 55, bà Cương khẳng định: “Chúng tôi không thể quên được ân tình cao cả, vô bờ bến của Nhân dân địa phương. Các gia đình đã đào hầm trong vườn, nhường gian chính nhà mình cho chúng tôi ở, chia ngọt sẻ bùi với TNXP và các lực lượng. Đặc biệt, ông Trần Quang Đạt, hồi ấy là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đảm bảo giao thông tỉnh vô cùng tận tụy, sâu sát hiện trường. Mỗi con đường, mỗi tấc đất ở Đồng Lộc đều in dấu bàn chân ông Đạt. Cùng với ông Đạt là các ông: Nguyễn Đình Hiến - Trưởng phòng Kỹ thuật Ty Giao thông, ông Nguyễn Văn Sửu - nguyên Trưởng ty Giao thông…”.
Sau Tết Mậu Thân 1968, Ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm đánh phá ác liệt của Mĩ. Ảnh tư liệu
55 năm đã trôi qua, nhưng câu chuyện về Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130 xã Tiến Lộc không hề mờ phai trong tâm trí của nhiều thế hệ. Những ngày ông Trần Quang Đạt còn sống, tôi đã theo chân các cựu TNXP đến nhà ông. Tôi được biết, hầu hết những con đường tránh, đường xế đều được hình thành khi ông đi kiểm tra thực địa, chỉ huy công trường nhằm phá thế độc tuyến khi qua Ngã ba Đồng Lộc. Cái tên Làng K130 cũng là do ông đặt. K nghĩa là bí mật, bất ngờ và khẩn trương. Trong những ngày ấy, ông Đạt đã viết bài thơ mộc mạc “Em gắng sức chữa đường” để động viên các cô TNXP và gợi ý cho cố nhạc sĩ Ánh Dương lấy câu “Hòa tình em từng viên đá nhỏ” đưa vào bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng”.
Ông Trần Đình Trọng - Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc giai đoạn ấy đã từng nói với tôi: “Chính ông Đạt là “tác giả” của con đường, tôi lên huyện họp và nhận lệnh dỡ nhà trong đêm từ Trưởng ban Đảm bảo giao thông tỉnh”.
Hôm nay, trở lại với ký ức một thời đánh Mỹ, tôi lại nhớ một câu trong bức thư gửi mẹ của liệt sĩ Võ Thị Tần: “Đoạn đường đang được nối liền bằng cả tâm hồn và trí lực của chúng con”. Tôi muốn mượn ý của chị để nói về những con đường được mở, được nối bằng tất cả tâm hồn, trí lực của rất nhiều người, từ lãnh đạo tỉnh, các lực lượng chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc đến mỗi người dân bình thường sau lũy tre làng, khi mà ngọn lửa yêu nước đã cháy sáng trong tim.
Ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu…
Xe đi qua Bãi Dịa - Xuân Lộc, Đồng Lộc, bà Cương bùi ngùi kể: “Nơi đây, tôi đã đưa thi thể liệt sĩ Võ Xuân Tài về chôn cất. Những ngày ác liệt ấy, bao đồng đội của chúng tôi đã hy sinh. Quên sao được 13 người của C553 hy sinh cuối tháng 8/1968, vừa chôn cất xong chiều nay, ngày mai bom Mỹ lại đánh trúng mồ, phải chôn cất lại. C557 đang trong lán ở Cơn Da, Thượng Lộc thì bị đánh bom, 2 người bị thương, 3 người hy sinh. Rồi C555 ở Phú Lộc 23 người hy sinh năm 1972… Và thương nhất là 10 cô gái Tiểu đội 4, C552 hy sinh ngày 24/7. Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ ngọt bùi. Các em còn trong trắng cả, tiếc lắm, thương lắm”.
Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc - nối mạch ngàn năm” diễn ra tối 22/7 vừa qua đã tái hiện lại một Đồng Lộc kiên cường, hiên ngang trong lửa đạn chiến tranh.
Tôi biết, không chỉ riêng bà Cương nhớ về những đồng đội đã khuất, trong lòng các cựu chiến binh, cựu TNXP, công nhân giao thông, Nhân dân các xã vẫn còn ghi nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho những chuyến xe đêm đêm ra mặt trận. Đó là 122 liệt sĩ Trung đoàn pháo cao xạ bộ đội phòng không; 140 liệt sĩ Tổng đội TNXP 55; 341 liệt sĩ ngành GTVT và 1.226 người dân đã hy sinh cho những tuyến đường nối mạch vào Nam.
Những tên tuổi của Tiểu đội 4, C552, các anh hùng, liệt sĩ: Vương Đình Nhỏ, Võ Triều Chung, Trần Văn Ca, Lê Đăng Dương, Võ Xuân Tài, Phan Văn Bổn… mãi lưu danh cùng sông núi. Hiện nay, có 5 tập thể và 9 cá nhân từng tham gia chiến đấu ở Đồng Lộc đã được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động. Và rất nhiều tập thể, cá nhân được ca ngợi như: C557 “đại đội thép”, Tổ máy gạt Ty Giao thông, Tổ máy gạt I Cục Công trình I - Bộ GTVT, Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ bộ đội địa phương Hà Tĩnh...
Những câu chuyện ở Đồng Lộc sẽ còn vọng mãi đến mai sau.
Ở ngã ba huyền thoại này, ai cũng đều sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân, sẵn sàng hy sinh cho huyết mạch giao thông, có người được vinh danh anh hùng vì những đóng góp to lớn, trong giờ phút đặc biệt sinh tử, có người không được vinh danh nhưng trong lòng Nhân dân, tất cả đều là những người con anh hùng của quê hương Hà Tĩnh anh hùng, dân tộc Việt Nam anh hùng. Họ, người còn sống hay đã mất, đều đã góp phần thông đường, thông xe cho thắng lợi cuối cùng, làm nên một ngã ba huyền thoại vang vọng trên thế giới, vang vọng đến mai sau.
Đồng Lộc - trái tim lớn của đồng bào cả nước
Nghìn vạn chuyến xe đi/ Qua trái tim Ngã ba Đồng Lộc/ Máu qua tim máu lọc/ Xe vượt Ngã ba xe xốc tới miền Nam (Huy Cận). Những năm tháng chiến tranh, trái tim lớn Đồng Lộc luôn được nối liền bởi những mạch máu giao thông không bao giờ ngừng chảy. Nay hòa bình, thống nhất, trái tim ấy lại được nhận về những yêu thương từ hàng ngàn, hàng vạn chuyến xe, hàng triệu con người, được hội tụ cùng nhịp đập trái tim Việt Nam.
Tháng 7 nước chảy về nguồn, dòng người bất tận từ Hà Giang đến Cà Mau, với đủ giọng nói, sắc màu áo quần, kẻ đầu xanh, người đầu bạc, tất cả đang hội tụ về Đồng Lộc với lòng thành kính, biết ơn. Trái tim Đồng Lộc đã và đang đập những nhịp đập rộn ràng, thiêng liêng. Ông Trần Xuân Hải (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tranh thủ ngày nghỉ, chúng tôi vào dâng hương ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Đây là lần thứ 4 tôi đến đây và nhận thấy mỗi năm mỗi khác, nhiều thay đổi hơn trước”.
Toàn cảnh Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh Đình Nhất
Đứng bên khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ TNXP toàn quốc, nhìn những dòng người nối nhau đi qua, nhìn lên đồi Trọ Voi xanh thắm và bầu trời Đồng Lộc trong veo, ánh mắt bà Cương lấp lánh niềm vui. Bà không giấu được cảm xúc: “Thay đổi nhiều quá! Vui quá! Đồng Lộc xanh tươi, đẹp đẽ, trở thành địa chỉ linh thiêng, niềm kiêu hãnh của tỉnh nhà và những người từng chiến đấu ở đây, trong đó có lực lượng TNXP. Tấm lòng tri ân của mọi người đã tạo nên niềm hạnh phúc, vinh dự vô song của người còn sống và những người đã mất”.
Và tôi biết, những câu chuyện về Đồng Lộc sẽ được bà và đồng đội kể mãi, mạch nguồn Đồng Lộc sẽ còn chảy mãi. Trái tim Đồng Lộc sẽ mãi reo vui…