Cứ thua là... đổ lỗi
Thực tế là thất bại nào cũng có lý do và nguyên nhân, đặc biệt là trong các trận đấu bóng đá - môn thể thao đậm tính chiến thuật và đồng đội. Như thầy Park lý giải trong buổi họp báo sau trận, ĐT Việt Nam đã để thua ngược trước Iraq vì đội bạn có thể lực tốt hơn và đã chơi tập trung hơn trong suốt 90 phút thi đấu.
Và cũng cần thực tế là ở môn thể thao mang tính đồng đội với 11 cầu thủ trên sân thì thất bại nào cũng xuất phát từ những nguyên nhân nằm ở hệ thống chứ lỗi không nằm ở bất kỳ cá nhân nào.
Duy Mạnh không ngần ngại "đổ máu" để bảo vệ khung thành ĐT Việt Nam. (Ảnh: Getty). |
Duy Mạnh mắc lỗi trực tiếp dẫn đến bàn thua đầu tiên nhưng không có nghĩa ĐT Việt Nam thua trận chỉ vì... trung vệ này. Đừng quên, ngoài sai lầm đó, Duy Mạnh đã có 90 phút chơi tốt trên sân Zayed Sports City với không ít lần tắc bóng và không chiến thành công trước các đối thủ vượt trội về thể hình và thể lực, dù phải đổ máu.
Thủ thành Văn Lâm có thể có một vài tình huống ra, vào không hợp lý hay phối hợp chưa ăn ý cùng các hậu vệ, đặc biệt là pha lộn xộn trong vòng cấm dẫn tới bàn thua thứ hai của ĐT Việt Nam. Tuy nhiên, thủ môn mang hai dòng máu Việt - Nga đã có trận đấu tốt với không dưới 7 lần cứu thua cho ĐT Việt Nam.
Tình huống Văn Lâm làm nền cho siêu phẩm đá phạt của Ali Adnan ở phút 90. (Ảnh: Getty). |
Đặc biệt, Văn Lâm không hề đứng sai vị trí và hay mắc lỗi trong tình huống sút phạt thành bàn quyết định mang về thắng lợi 3-2 chung cuộc cho Iraq ở phút 90. Đơn giản, cầu thủ đang khoác áo Atalanta chơi ở Serie A, Ali Adnan đã vẽ nên một đường cong hoàn hảo vào “góc chết” khung thành của Văn Lâm và đó là một bàn thắng “không thể cản phá”.
Nói một cách khác, nhiều thủ môn đẳng cấp thế giới như Joe Hart, De Gea... từng là “nạn nhân” và không ít lần phải “làm nền” cho những siêu phẩm đá phạt như thế này. Và Đặng Văn Lâm cũng không phải là ngoại lệ ở siêu phẩm của Ali Adnan tối 8/1.
HLV Park Hang Seo thừa nhận Iraq xứng đáng giành chiến thắng. (Ảnh: Getty). |
Tổ trọng tài điều khiển trận Iraq 3 - 2 ĐT Việt Nam cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kể cả ở tình huống thổi phạt pha kéo người của Hồng Duy ở phút 90 dẫn tới pha đá phạt thành bàn của Ali Adnan. Ngay cả HLV Park Hang Seo cũng cho rằng không nên bàn nhiều về trọng tài, bởi Iraq là đội xứng đáng hơn để giành chiến thắng.
Và tất nhiên, ở một trận đấu diễn ra tại UAE thì việc ĐT Việt Nam thất bại không thể bởi nguyên nhân vì... một cầu thủ phải ở nhà do chưa bình phục chấn thương, và xuất hiện trên sóng truyền hình tối 8/1, là trung vệ Đình Trọng. Việc thiếu vắng “chuyên gia bắt Tây” như Đình Trọng ở Asian Cup 2019 là điều đáng tiếc với ĐT Việt Nam nhưng đó không thể là lý do để đổ lỗi cho thất bại của thầy trò HLV Park Hang Seo.
Cần lắm văn hóa cổ động
Theo từ điển Tiếng Việt, cổ động viên là người tham gia cổ động, tuyên truyền tích cực để ủng hộ cho một ứng cử viên trong cuộc tuyển cử, hay cho một đội thể thao trong cuộc thi đấu.
Thế nhưng, có một bổ phận những người tự nhận mình là cổ động viên của ĐT Việt Nam lại vô tình hay cố ý quên đi định nghĩa về vai trò của mình - tuyên truyền tích cực để ủng hộ đội tuyển mà thay vào đó là những lời chỉ trích trong vai trò của một HLV trực tuyến trên mạng.
Đó là một bộ phận những người hâm mộ khi ĐT Việt Nam thắng thì tung hô như những người hùng còn khi đội nhà thua trận thì tất cả đều là “tội đồ” để trút giận. Thậm chí, nếu “trút” chưa đủ vào các cầu thủ, HLV đội nhà, họ còn cố gắng tìm những lý do “trời ơi đất hỡi” khác để đổ lỗi cho “bõ tức” như trọng tài, chất lượng mặt sân, thời tiết...
ĐT Việt Nam vừa đăng quang hết sức thuyết phục ở AFF Cup 2018. Thế nhưng đó chỉ là giải đấu khu vực Đông Nam Á và khi tiến ra giải đấu châu lục là Asian Cup, đó là câu chuyện hoàn toàn khác. Trên cao là gió và bức tường đẳng cấp đã ngăn thầy trò HLV Park Hang Seo giành được ít nhất 1 điểm trước Iraq, dù đã 2 lần vượt lên dẫn trước đối thủ trong trận đấu tối 8/1.
Một bộ phận người hâm mộ đã vô tình hay cố ý quên đi định nghĩa về một cổ động viên chân chính. (Ảnh: TLH). |
Lịch sử đối đầu giữa hai đội trước khi Asian Cup 2019 khởi tranh cũng hoàn toàn ủng hộ Iraq khi đội bóng Tây Á thắng 2 và chỉ hòa 1 trước ĐT Việt Nam ở ba lần gặp nhau trước đó.
Nếu như một xã hội luôn tiến tới những nền văn minh tiên tiến hơn để phát triển thì làng túc cầu giáo - một xã hội thu nhỏ cũng cần văn hóa cổ động cho những người hâm mộ, cổ động viên chân chính.
Ở các giải đấu hàng đầu thế giới như Premier League, La Liga, Serie A,... các đội bóng luôn chú trọng xây dựng và giữ gìn, phát huy hình ảnh, văn hóa cổ động chân chính đó như tài sản quý giá nhất của CLB, và thậm chí điều này còn trở thành một thứ “tôn giáo” với nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt.
Thái Lan, Malaysia, Indonesia... và một số nước trong khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây cũng đang làm rất tốt việc xây dựng văn hóa cổ động với những hội Ultras cuồng nhiệt và máu lửa nhưng văn minh trên các khán đài và cả Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu này.
Cần lắm văn hóa cổ động. (Ảnh: Getty). |
Ở những CLB nổi tiếng trên thế giới như MU, Barca, Real... các CĐV luôn truyền tai nhau câu nói quen thuộc như một khẩu hiệu với nội dung: “Nếu không ở bên cạnh để chia sẻ nỗi buồn thua trận với đội nhà thì các bạn cũng đừng ăn mừng hay tận hưởng niềm vui khi đội giành chiến thắng”.
Vậy, xin hỏi một bộ phận những người tự nhận mình là CĐV của ĐT Việt Nam nhưng chỉ biết chỉ trích, bới móc và đổ lỗi, các bạn đã ở đâu tối qua khi thầy trò HLV Park Hang Seo thua ngược Iraq 2 - 3 ở trận ra quân tại VCK Asian Cup 2019?./.