Bạn Hồ Thị Vân Anh (Trường Aalto University - School of Business, thủ đô Helsinki, Phần Lan): Dù đi đâu cũng không thể nào quên được ý nghĩa của Tết cổ truyền.
Hồ Thị Vân Anh (thứ 2 từ phải sang) đang cùng các cộng sự tập nhảy cho clip chúc Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017
Tết âm lịch năm ngoái chị cùng cộng đồng du học sinh Việt đón Tết tại Phần Lan. Tụi chị cùng nhau nấu món ăn Việt Nam như bánh chưng, dưa món, thịt đông, xôi đỗ xanh để đón giao thừa. Phần Lan cách Việt Nam 5 tiếng đồng hồ vì vậy giao thừa ở Việt Nam là 7h tối ở Phần Lan thì đúng 7h tối bọn chị cùng chúc những lời chúc tốt đẹp trong năm mới và cùng xem Táo quân online trên mạng. Năm nay, tuy trùng lịch đi làm thêm cuối tuần của chị nhưng chị vẫn cùng bạn bè du học sinh tụ tập dù muộn để ăn giao thừa như thịt gà, bánh chưng, lẩu… Trước đó mấy ngày, bọn chị đã tự tổ chức gói bánh chưng bằng lá chuối vì bên này không có lá dong.
Bạn Trịnh Đình Tuấn Anh (Chuyên ngành kế toán tài chính tại London, Anh): Mong sớm học xong để về quê đón Tết cùng gia đình
Trịnh Đình Tuấn Anh (đầu tiên từ trái sang) đang đón giao thừa cùng gia đình, bạn bè tại London, Anh
Đối với mỗi du học sinh Việt Nam, đặc biệt là người Hà Tĩnh thì dù có đi bất cứ phương trời nào, không khí cũng không thể vui như đón Tết ở nhà mình được. Những năm được đón Tết ở nhà là được cùng bố mẹ đi mua sắm hoa đào, hoa mai, bánh kẹo, quần áo...; được tận hưởng mùi hương trầm thoang thoảng trong những hạt mưa xuân bay bay. Còn Tết ở Anh là những đêm giao thừa sang nhà anh chị sau đó ghé xe bus 2 tiếng để đi chùa Linh Sơn cầu an.
Trịnh Đình Tuấn Anh tại bãi đá Stonehenge nổi tiếng tại Anh
Năm nay, mình tiếp tục ăn Tết cùng anh chị, cùng ôn lại thành quả của năm cũ và chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới. Sang năm mới Đinh Dậu rồi, không ước gì hơn là năm nay sớm hoàn thành khóa thạc sỹ để năm sau được về đón Tết cùng gia đình.
Em Trần Thị Thùy Dương (Chuyên ngành quản trị kinh doanh và thiết kế đồ họa Trường Đại học Skidmore, NewYor k, Mỹ): Tết xa nhà là dịp để nói Tiếng Việt
Thùy Dương (bên phải) cùng bạn làm bánh chưng, bánh ngọt đón Tết cổ truyền tại Anh
Tết Bính thân năm ngoái, mặc dù ở trường chỉ có 5 bạn Việt Nam nhưng bọn em cũng tổ chức nấu ăn đón Tết. Dù phải đi chợ cách trường 1 tiếng xe bus, nguyên liệu thì thiếu thốn rõ nhiều nhưng ai cũng vui. Mọi người xa nhà đã lâu nên cũng không còn tủi thân như hồi mới sang, cộng thêm nhờ có video chat nên bọn em có thể gọi về nhà đúng dịp Giao thừa, coi như đang ở nhà luôn. Năm nay em đang học trao đổi 1 kì ở London (Anh) thì thấy mọi người đón Tết vui hơn nhiều.
Thùy Dương (thứ 2 trái sang) trong một chuyến đi tình nguyện tại châu Phi
Đối với những bạn mới sang học thì Tết cũng là dịp các bạn có cảm giác như được ở nhà vì có anh chị em cùng trao đổi Tiếng Việt. Năm mới em mong mọi nhà mọi người sẽ tràn đầy hạnh phúc, gia đình và bản thân ai cũng khỏe để làm việc và tận hưởng cuộc sống.
Bạn Nguyễn Hà Duy (Đại học Tổng hợp quốc gia Astrakhan, Nga): Vui nhất là khi các thầy cô, sinh viên nước ngoài chúc tết bằng tiếng Việt
Nguyễn Hà Duy trong clip chúc Tết gửi lời yêu thương về Việt Nam
5 năm ở Nga, mình đã đón nhiều cái Tết đặc biệt như: thành phố kế bên bị đánh bom, Tết xa nhà đầu tiên đúng vào dịp lạnh nhất của mùa Đông… Tết bên này bọn mình vẫn đi học bình thường, không có lịch nghỉ. Đêm 30 mọi người tranh thủ đón Tết với gia đình qua Skype sau đó cùng nhau ăn bữa cơm. Ngày hôm sau lại đi học, có khi mồng 1 là trùng vào lịch thi. Điều vui nhất có lẽ là khi đi học, các thầy cô và các bạn sinh viên nước ngoài biết đến Tết Việt Nam. Mọi người cùng nhau học mấy câu chúc Tết đơn giản bằng Tiếng Việt rồi chúc bọn mình. Sau đó sinh viên Việt Nam sẽ mời bạn bè nước ngoài các món ăn Việt và lì xì cho nhau. Tết này mình đã hoàn thành kì học từ mấy tuần trước nên vào đúng giao thừa mình đã tự thưởng cho bản thân một chuyến trượt tuyết trên núi tại thành phố khác để nghỉ ngơi thư giãn và bắt đầu cho một hành trình mới cho năm tiếp theo.