Xúc tiến ở thị trường nào, thắng lớn ở thị trường ấy
10 tháng đầu năm 2010, lượng khách quốc tế đến du lịch ở Việt Nam đạt được mức tăng cao tới mức nhiều quốc gia phải mơ ước và thuộc nhóm tăng cao nhất thế giới, tăng 39% (trong khi mức tăng trung bình của du lịch thế giới chưa bao giờ đạt 2 con số). Nếu đón được 5 triệu lượt khách trong năm nay thì đây là kỷ lục mới, bước tiến cực kỳ quan trọng của Du lịch Việt Nam. Điều này cũng cho thấy, điểm đến Việt Nam vẫn được dư luận thế giới đánh giá là an toàn, thân thiện, độc đáo, hấp dẫn.
Du khách tham quan Hà Nội |
Phải khẳng định, kết quả này đạt được phần lớn là do năm nay, Tổng cục Du lịch (TCDL) và Bộ VHTTDL đã tổ chức rất thành công các cuộc xúc tiến điểm đến (roadshow), giới thiệu du lịch, văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức Những ngày Việt Nam ở nước ngoài; tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch quốc tế, đăng cai các hội nghị du lịch lớn; tổ chức tốt các sự kiện du lịch, văn hóa trong nước; triển khai thành công chương trình kích cầu “Việt Nam- điểm đến của bạn”, phát sóng kênh truyền hình cáp về du lịch...
Ở các thị trường gửi khách đến Việt Nam nhiều nhất, có 13 thị trường đạt trên 100.000 lượt khách/năm như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan (TQ), Australia, Pháp, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Singapore, Anh, Đức.
Trong số này có khoảng 8 thị trường có thể đạt 200.000 khách gửi đến Việt Nam năm 2010. Những dấu hiệu tích cực từ việc tăng trưởng rất cao ở các thị trường khu vực Đông Bắc Á, ASEAN, Tây Âu, Trung Quốc, Australia, Mỹ cho thấy hiệu quả rõ rệt ở các chiến dịch xúc tiến, quảng bá đúng hướng (tập trung vào thị trường trọng điểm, thị trường gần), có trọng tâm, bài bản và dần chuyên nghiệp của Du lịch Việt Nam.
2 tháng cuối năm 2010, TCDL sẽ tiếp tục tổ chức roadshow, famtrip đến các thị trường Đài Loan (TQ), Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào... để quảng bá du lịch, văn hóa Việt Nam, khảo sát nối tour, tuyến các nước trong khu vực ASEAN, Đông Dương.
Trong các cuộc xúc tiến quảng bá, khảo sát này, đại diện của các quan chức ngành Du lịch và doanh nghiệp du lịch của Việt Nam cũng sẽ làm việc với cơ quan du lịch các nước bạn bàn cụ thể về việc hợp tác du lịch song phương và trong khu vực.
Hiện nay, Malaysia đang là một quốc gia nổi bật nhất trong khu vực Đông Nam Á về việc làm du lịch. Năm 2010, dự kiến Malaysia đón 23 triệu lượt khách quốc tế, trong đó hơn 50% là khách nội khối. Thời gian tới, Malaysia cũng là tâm điểm thu hút khách của Du lịch Việt Nam. Ngành du lịch cũng sẽ tổ chức các chiến dịch quảng bá rộng rãi trong khu vực, nhất là ở thị trường Malaysia.
Vào dịp cuối năm TCDL có thể sẽ tổ chức Hội thảo quốc gia nhằm đánh giá công tác xúc tiến, quảng bá du lịch để đánh giá một cách toàn diện công tác này thời gian qua và các giải pháp quảng bá hiệu quả thời gian tới.
Dự kiến đón vị khách quốc tế thứ 5 triệu đến Việt Nam trong tháng 12
Tổng cục Du lịch (TCDL) dự kiến tổ chức lễ đón các vị khách du lịch quốc tế thứ 5.000.000, 4.999.999 và 5.000.001 vào cuối tháng 12.2010, tại sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Theo tính toán của TCDL, từ đầu năm đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam hằng tháng đạt trung bình 420.000 lượt người, vượt xa so với những năm trước. Đây cũng là năm đầu tiên trong 20 năm qua có lượng khách đến hằng tháng cao nhất. Sự tăng trưởng đều và nhanh này đã đảm bảo cho việc vượt kế hoạch đón khách quốc tế của ngành trong năm 2010 và có thể đón vị khách quốc tế thứ 5 triệu vào trung tuần tháng 12.2010. Nếu có sự khó khăn nào đó thì vị khách quốc tế thứ 5 triệu cũng sẽ đến vào khoảng cuối tháng 12.2010 là cùng.
Việc đón vị khách thứ 5 triệu là sự kiện quan trọng của Bộ VHTTDL, đánh dấu một mốc phát triển mới và khẳng định vị thế của ngành Du lịch đối với nền kinh tế quốc dân.
Vẫn thiếu người làm du lịch chuyên nghiệp
Mặc dù có gần 1 triệu người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và nhiều triệu người hưởng lợi từ du lịch nhưng những người làm du lịch chuyên nghiệp, tâm huyết, hiểu biết về nghề và trụ vững thì lại quá ít.
Hiện tại, ngành Du lịch đang thiếu chuyên gia đầu ngành, thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, số lao động được đào tạo đại học và sau đại học trong ngành chỉ chiếm 3%, khoảng 30% lực lượng lao động trong ngành du lịch chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, hướng dẫn viên thiếu trầm trọng, 45% hướng dẫn viên không thông thạo tiếng Anh, lực lượng quản lý tinh thông trong ngành càng thiếu...
Nhân lực yếu cộng với các tồn tại cố hữu khác như kết cấu hạ tầng không đồng bộ, năng lực cạnh tranh hạn chế, quảng bá xúc tiến chưa chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản phẩm du lịch nghèo nàn, môi trường suy kiệt... khiến du lịch gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển có chất lượng cao.
Lãnh đạo TCDL cũng đã thẳng thắn thừa nhận những hạn chế của ngành dẫn đến những kết quả thực hiện chưa cao; một số nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia và Xúc tiến du lịch triển khai chậm; báo cáo từ các địa phương gửi về TCDL chưa đầy đủ, kịp thời; việc quản lý giá cả dịch vụ du lịch tại một số địa bàn trọng điểm về du lịch trong thời kỳ cao điểm chưa được kiểm soát; hoạt động lữ hành có diễn biến phức tạp, không lành mạnh trong cạnh tranh...
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh nhiều lần về vấn đề bổ nhiệm cán bộ có trình độ, chuyên môn cao, tâm huyết với nghề, có nhiều kinh nghiệm vào đội ngũ lãnh đạo TCDL và các đơn vị trực thuộc của TCDL. Quan trọng hơn nữa là việc đào tạo đội ngũ làm du lịch trẻ, ngoại ngữ tốt, chuyên môn cao, tay nghề vững, có trình độ đại học, sau đại học, đào tạo nghề du lịch theo nhu cầu thị trường...
Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự ổn định dần dần của TCDL thời gian vừa qua và sự phát triển vượt bậc của ngành Du lịch trong hoàn cảnh rất khó khăn của nền kinh tế. Bộ trưởng đồng ý với TCDL về việc thành lập Hội đồng Tư vấn du lịch, việc phân cấp trách nhiệm và quyền hạn nhiều hơn cho TCDL...