Một ứng dụng có tên Thisisyourdigitallife chuyên khảo sát bằng cách hỏi và trả lời trên nền tảng mạng xã hội Facebook qua đó thu thập thông tin người dùng với chiêu bài “mục đích nghiên cứu học thuật” nhưng sau đó đã được bán lại cho Cty chuyên phân tích dữ liệu Cambridge Analytica. Cty này dùng những dữ liệu đó bán cho các đối tượng có mục đích riêng.
Nhưng cần nhớ rằng, việc Cambridge Analytica thu thập dữ liệu người dùng Facebook để trục lợi mới chỉ là một trường hợp bị lộ chứ khả năng còn có nhiều trường hợp khác vẫn đang âm thầm thu thập dữ liệu người dùng trên nền tảng mạng xã hội này nhưng chưa bị lộ.
Suy cho cùng, đó là cấp trục lợi thứ cấp. Còn cấp trục lợi sơ cấp là từ chính Facebook, với hơn 2 tỉ người dùng và từng đó dữ liệu, sẽ được phân tích cặn kẽ từng chút một về tuổi tác, nghề nghiệp, sở thích, hành vi.v.v… từ đó phục vụ cho chiến lược kinh doanh quảng cáo. Nếu không có dữ liệu từ hơn 2 tỉ người dùng, Facebook không thể trở thành mạng xã hội số 1 thế giới để từ đó chiếm “khẩu phần sư tử” trong “chiếc bánh” quảng cáo trực tuyến chỉ riêng tại Mỹ đã lên đến 83 tỉ USD.
Facebook đã tạo môi trường cho rất nhiều ứng dụng của bên thứ ba kí sinh và khai thác dữ liệu người dùng với phương châm hai bên cùng có lợi, nhưng khâu kiểm soát về động cơ, mục đích sử dụng dữ liệu của bên thứ ba thì không được Facebook giám sát chặt chẽ, dẫn đến tình trạng dữ liệu người dùng bị mang bán, đổi chác, kinh doanh nhiều lần, theo nhiều tuyến và dạng thức khác nhau.
Người dùng khi sử dụng Facebook với tâm lí chung là mạng xã hội này sẽ bảo vệ dữ liệu của họ, nhưng trên thực tế việc để lộ lọt thông tin người dùng cho bên thứ ba cho thấy khả năng kiểm soát của Facebook lại quá lơi lỏng. Trên thực tế không chỉ ở Mỹ mà ở bất cứ nơi đâu, và ngay tại Việt Nam, với sự lơi lỏng để cho bên thứ ba thoải mái thu thập dữ liệu cho những mục đích khác nhau thì thông tin của hơn 60 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam cũng hoàn toàn có thể trở thành món hàng để trục lợi, thậm chí sử dụng cho mục đích lan truyền tin giả theo từng lớp/tập người dùng khác nhau nhằm gây nhiễu thông tin, xuyên tạc hoặc bôi nhọ…
Facebook đã mất 60 tỉ USD giá trị vốn hóa doanh nghiệp sau hai phiên đỏ sàn gần đây bởi vì đã không bảo vệ thông tin người dùng đúng như cam kết. Trên thực tế môi trường Facebook không còn an toàn khi có quá nhiều toan tính của các bên đều nhắm tới người dùng mà trước hết được bắt đầu từ việc thu thập thông tin, dữ liệu.