Lúc 23h30’ ngày 7/5, cơ sở chế biến gỗ của gia đình ông Hồ Hữu ở thôn Hồng Kỳ, xã Sơn Phú (Hương Sơn) bất ngờ bốc cháy. Do chứa nhiều đồ gỗ và nguyên liệu sản xuất dễ cháy nên ngọn lửa nhanh chóng bao trùm cả nhà xưởng. Sau nhiều nỗ lực, Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an huyện Hương Sơn, chính quyền địa phương và người dân đã dập tắt được đám cháy. Vụ hỏa hoạn thiêu rụi nhiều khối gỗ, sản phẩm gỗ và máy móc thiết bị của xưởng gỗ.
Trước đó ít tháng, cơ sở sản xuất gỗ công nghiệp Lam Giang ở thôn Gia Ngãi 1, xã Thạch Long (Thạch Hà) cũng bất ngờ bốc cháy. Cơ sở này có trang bị các thiết bị, công cụ chữa cháy nhưng thời điểm phát sinh lửa không có người trông coi nên ngọn lửa lan, bao trùm cả nhà xưởng.
Phải mất nhiều giờ, lực lượng chức năng mới có thể khống chế được đám cháy. Gần như tất cả tài sản, từ gỗ, nguyên vật liệu sản xuất, ô tô... trong nhà xưởng đều bị ngọn lửa thiêu rụi.
2 vụ cháy lớn nêu trên may mắn không có thương vong về người nhưng gây thiệt hại lớn về tài sản cho chủ cơ sở. Điểm chung của 2 vụ cháy là đều không được phát hiện và xử lý sớm, cộng thêm có nhiều vật dụng, nguyên liệu dễ cháy nên lửa lan nhanh, khi Cảnh sát PCCC&CNCH có mặt, lửa đã bao trùm nhà xưởng, gây nhiều khó khăn cho công tác cứu hỏa.
Đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho hay: Những năm qua, công tác PCCC trên địa bàn Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo môi trường an toàn, phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo công tác PCCC đối với các địa bàn, loại hình cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC được phát triển mạnh, rộng khắp; việc xã hội hóa công tác PCCC được quan tâm.
Theo Đại tá Đặng Hoài Sơn, với sự vào cuộc của các cấp, chính quyền, ngành chức năng và sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH được tăng cường, góp phần hạn chế được số vụ cháy, nổ và thiệt hại gây ra. Tuy vậy, trong bối cảnh Hà Tĩnh luôn có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, việc sử dụng điện tại các gia đình, khu dân cư, cơ sở SXKD tăng cao kéo theo nhiều nguy cơ về cháy, nổ.
Thống kê của Công an Hà Tĩnh cho thấy, trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 110 vụ cháy, nổ làm chết 1 người, bị thương 3 người. Từ đầu năm tới nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 29 vụ cháy, thiệt hại về tài sản ước tính gần 1 tỷ đồng và 7,1 ha rừng. Các vụ cháy, nổ vẫn tập trung chủ yếu tại gia đình, nhà để ở kết hợp SXKD trong khu dân cư hay khu, cụm công nghiệp, chợ và cơ sở SXKD.
Trước mối nguy về cháy, nổ vẫn luôn thường trực, việc huy động sức mạnh, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của người dân, gia đình trong công tác PCCC là yêu cầu cấp thiết cần phải làm ngay. Đến nay, toàn tỉnh đã có 357 tổ liên gia an toàn PCCC, 408 điểm chữa cháy công cộng và trang bị 339.642 bình chữa cháy hộ gia đình.
Việc Hà Tĩnh đẩy mạnh xây dựng tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng hay mỗi gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy, được xem là “chìa khóa” góp phần tạo chuyển biến về nhận thức của người dân, hạn chế nguy cơ cháy, nổ.
Cùng với các công cụ, thiết bị PCCC mà mỗi gia đình tự trang bị, tổ liên gia an toàn PCCC hay điểm chữa cháy công cộng sẽ phát huy được kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, cứu người, cứu tài sản của mỗi người dân - những hạt nhân của công tác PCCC tại chỗ, lực lượng có mặt nhanh nhất. Từ đây, “4 tại chỗ” trong PCCC (lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân, chỉ huy ở trong dân) nhanh chóng chớp lấy “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi xảy ra cháy để chữa cháy kịp thời, không để phát sinh tình huống phức tạp, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của chính gia đình mình và người dân.
Thượng tá Võ Đức Long - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cho biết: UBND tỉnh vừa tổ chức thành công hội thi nghiệp vụ chữa cháy và CNCH “Tổ liên gia an toàn PCCC” toàn tỉnh năm 2024. Hội thi nhằm duy trì, phát huy hiệu quả, thiết thực mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh. Qua đó, bổ sung kiến thức, năng lực, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, cứu người, cứu tài sản cho thành viên trong các gia đình, đưa hoạt động của tổ liên gia an toàn PCCC tại các địa phương đi vào thực chất và phát huy có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong việc xử lý các tình huống cháy, nổ khi xảy ra tại khu dân cư.