Đưa ngoại giao kinh tế trở thành động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

(Baohatinh.vn) - HàTĩnh xác định lấy ngoại giao kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm của hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, phấn đấu đưa ngoại giao kinh tế trở thành động lực mạnh mẽ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đưa ngoại giao kinh tế trở thành động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính khai mạc hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều tối 9/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế năm 2023.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Phúc Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Đưa ngoại giao kinh tế trở thành động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Phúc Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế

Năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Chính phủ đặt ưu tiên cao nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, công tác ngoại giao kinh tế được triển khai quyết liệt, bài bản, hiệu quả, kịp thời chuyển trọng tâm từ ngoại giao phục vụ phòng, chống dịch bệnh sang phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Các hoạt động đối ngoại năm 2022 tập trung thúc đẩy nội dung hợp tác về kinh tế, đạt nhiều kết quả quan trọng, thực chất, với hơn 150 văn kiện hợp tác ký kết, góp phần đưa hợp tác kinh tế với các đối tác đi vào chiều sâu, thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đưa ngoại giao kinh tế trở thành động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và tổ chức triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế được đổi mới và thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả, với nhiều hoạt động, hội nghị quan trọng, đúng thời điểm.

6 tháng cuối năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng, thị trường xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị thu hẹp, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì, chỉ đạo hai hội nghị quan trọng với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam, các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài, hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vắc-xin và các bài học để đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới, qua đó xác định những định hướng, nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, các cơ quan đại diện, góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực về xuất khẩu, đầu tư nói riêng và kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 nói chung.

Công tác ngoại giao kinh tế cũng bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và nhu cầu thực tiễn trong nước, kịp thời hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, triển khai quyết liệt và cụ thể hóa nhiệm vụ “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, trách nhiệm, hiệu quả tại các cơ chế kinh tế đa phương, nhất là các diễn đàn đa phương về kinh tế, bảo đảm ứng xử cân bằng, hài hòa với các đối tác lớn và phù hợp với lợi ích của ta, bắt kịp các xu thế mới, sáng kiến mới nhằm huy động tối đa các nguồn lực phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Đưa ngoại giao kinh tế trở thành động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế đã xác định phương châm triển khai công tác ngoại giao kinh tế là quyết liệt, hành động, linh hoạt, hiệu quả, sáng tạo, đột phá, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước.

Theo đó, Chính phủ xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế; mở rộng, làm sâu sắc và tạo thế đan xen lợi ích trong quan hệ kinh tế với các đối tác; nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; vận động, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực tăng trưởng; xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm; đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo phục vụ điều hành kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành và bố trí nguồn lực triển khai ngoại giao kinh tế.

Cũng tại hội nghị, một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, hiệp hội doanh nghiệp… đã tập trung phát biểu chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế năm 2023.

Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất Chỉ thị 15

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, nhìn tổng thể công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua đã đi đúng hướng và đạt kết quả tích cực. Chính phủ đã kịp thời ban hành Chương trình hành động trên cơ sở bám sát Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và diễn biến tình hình trong nước, thế giới, khẩn trương triển khai Chỉ thị 15 theo tinh thần “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đưa ngoại giao kinh tế trở thành động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: Dương Giang -TTXVN.

Thủ tướng cho rằng, ý kiến phát biểu của các cơ quan, địa phương tại hội nghị rất tâm huyết, tạo ra sự liên kết giữa Nhà nước, nhà ngoại giao, các doanh nghiệp, địa phương vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan liên quan quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất Chỉ thị 15 và Chương trình hành động của Chính phủ với phương châm “tư duy sáng tạo, hành động quyết liệt, ứng phó linh hoạt, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước”.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế; làm sâu sắc và tạo thế đan xen lợi ích trong quan hệ kinh tế với các đối tác. Cần tiếp tục vận động, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực tăng trưởng gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược, nâng cao năng lực phân tích, dự báo phục vụ điều hành kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, bố trí nguồn lực triển khai ngoại giao kinh tế.

Đồng thời, tận dụng tốt cơ hội các thị trường lớn mở cửa trở lại nền kinh tế để thúc đẩy thương mại song phương; đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế phục vụ thu hút đầu tư chất lượng cao; tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng đề nghị các đại sứ, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cần bám sát tình hình trong nước để xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để phát triển kinh tế, du lịch với các nước sở tại.

Hà Tĩnh gắn kết chặt chẽ ngoại giao kinh tế với ngoại giao chính trị, văn hóa

Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, ngày 9/1/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 04-KH/UBND triển khai thực hiện Chỉ thị.

Theo đó, Hà Tĩnh xây dựng 7 nhóm giải pháp gồm: tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác ngoại giao kinh tế; mở rộng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy địa phương, người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; nâng cao năng lực dự báo, tham mưu chiến lược về kinh tế quốc tế; phát huy vai trò của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế.

Một trong những mục đích, yêu cầu quan trọng của kế hoạch là lấy ngoại giao kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm của hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, đảm bảo sự điều phối thống nhất, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp, trong đó lực lượng đối ngoại đóng vai trò nòng cốt; phấn đấu đưa ngoại giao kinh tế trở thành động lực mạnh mẽ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, kết hợp nhuần nhuyễn và gắn kết chặt chẽ ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân; tiếp tục đổi mới tư duy và phương thức triển khai trên tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển. Các hoạt động ngoại giao kinh tế phải tích cực, chủ động, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của tỉnh...

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Lãnh đạo tỉnh, ngành cấp tỉnh mong muốn bà con nhân dân tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng bền vững, cùng nhau góp sức xây dựng đô thị thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh văn minh, hiện đại.