Những ngày qua, bà con nhân dân thôn Đông Đoài, xã Bùi La Nhân đã tập trung vệ sinh môi trường, làm sạch khuôn viên nhà văn hóa, khu thể thao thôn và các dụng cụ phục vụ tập luyện thể thao. Mấy ngày trước, do nước lũ bủa vây toàn thôn nên môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ gây ra các loại dịch bệnh nguy hiểm.
Chị Đinh Thị Kim Hường ở thôn Đông Đoài, xã Bùi La Nhân cho hay: Chúng tôi tập trung tổng dọn vệ sinh môi trường, khi nước rút đến đâu thì làm đến đó, bởi nếu không làm kịp thời đất bùn khô đi sẽ rất khó khăn. Mặt khác, sau mưa lụt, xuất hiện nhiều rác thải, xác động vật chết, nếu không tổng dọn và thu gom kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, phát sinh dịch bệnh.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, xã Bùi La Nhân có 5/9 thôn bị ngập lụt. Dù nước chưa ngập đến các nhà dân, nhưng hầu hết các tuyến giao thông, công trình nhà văn hóa đều bị ngập sâu. Ông Bùi Trung Tín - Phó Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân cho biết, ngay khi nước rút đến đâu, chúng tôi chỉ đạo các thôn đôn đốc bà con nhân dân khẩn trương tổng dọn vệ sinh môi trường đến đó. Vừa để đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm và phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo củng cố các tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Không chỉ ở các xã vùng lũ ngoài đê như Bùi La Nhân, Quang Vĩnh, Tùng Châu, Liên Minh, mà ở thị trấn Đức Thọ cũng có các tuyến giao thông, một số hộ ở các tổ dân phố nằm ngoài đê bị ngập. Cùng với việc tập trung tổng dọn vệ sinh môi trường, trong mấy ngày vừa qua, Trạm Y tế thị trấn cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý môi trường, nước uống và phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.
Y sỹ Bùi Văn Dũng - Phó Trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Đức Thọ cho hay, sau mưa lũ, nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao, đặc biệt là tiêu chảy, nước ăn chân. Chúng tôi đã phân công cán bộ, nhân viên của trạm về các tổ bị ngập để hướng dẫn bà con nhân dân rải clofetamin B xử lý môi trường và nguồn nước sinh hoạt nhằm đảm bảo không phát sinh ô nhiễm, chủ động ngăn ngừa dịch bệnh.
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: Ngay sau khi nước rút, UBND huyện Đức Thọ đã có công văn chỉ đạo và đôn đốc các xã, phòng chuyên môn tập trung xử lý, dọn dẹp vệ sinh sau lũ, nhất là các trường học, nhà văn hóa, đường làng ngõ xóm tại các địa phương bị ngập lũ nhằm đảm vảo vệ sinh môi trường, với phương châm nước rút đến đâu vệ sinh đến đó.
Đặc biệt, huyện giao cho Trung tâm Y tế huyện khảo sát đánh giá tình hình ô nhiễm nguồn nước tại các vùng bị ngập sâu để có phương án xử lý môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân, kiểm soát chặt chẽ không để xẩy ra dịch bệnh bùng phát sau lũ; giao Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện cử cán bộ trực tiếp xuống các địa phương bị ngập lụt hướng dẫn bà con nông dân khôi phục sản xuất, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, nhất là khắc phục diện tích rau màu bị thiệt hại sau mưa lũ.