Đoàn công tác kiểm tra việc điều tiết nước tại cống Trung Lương chảy qua đê La Giang - xã Bùi La Nhân...
Chiều 24/5, Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ - Trưởng đoàn kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) của tỉnh tại huyện Đức Thọ đi kiểm tra một số công trình thủy lợi trên địa bàn.
Trong tổng số 16 xã, thị trấn của Đức Thọ có 5 xã ngoài đê, 3 xã vùng thượng dễ bị ngập và chia cắt khi có lũ lụt. Toàn huyện có 51 công trình thủy lợi, trong đó có 32 hồ đập, cống điều tiết nước, đặc biệt là 3 tuyến đê trọng điểm (đê La Giang, đê Rú Trí và đê Trường Sơn).
... và kiểm tra tại rú Dầu - xã Hòa Lạc, nơi có hiện tượng sụt lún, tạo thành vết nứt.
Hiện, các công trình đang đáp ứng công năng tiêu úng, ngăn lũ. Đặc biệt, 3 tuyến đê trọng điểm được địa phương quan tâm nâng cấp nên phục vụ tốt nhiệm vụ điều tiết nước tưới trong sản xuất cũng như tiêu úng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tại điểm dưới chân rú Dầu (xã Hòa Lạc), có 7 hộ dân đang sinh sống. Năm 2013, vị trí này xuất hiện tình trạng sụt lún và có vết nứt lớn đe dọa đến tính mạng và tài sản của các hộ dân. Huyện Đức Thọ đã có báo cáo với UBND tỉnh để tìm phương án di dời 7 hộ dân đến nơi ở mới an toàn hơn.
Đoàn công tác làm việc với Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN huyện Đức Thọ.
Sau khi đi kiểm tra thực tế, đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN huyện Đức Thọ nghe báo cáo và bàn các phương án triển khai công tác PCTT-TKCN năm 2022 trên địa bàn.
Các thành viên cho rằng, huyện cần xây dựng các phương án PCTT-TKCN một cách chủ động; tổ chức tập huấn, diễn tập để các địa phương, cơ sở nắm vững cơ chế vận hành khi có thiên tai xảy ra; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng các phương án di dời khi có bão lụt...
Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ - Trưởng đoàn kiểm tra và chỉ đạo công tác PCTT-TKCN của tỉnh tại huyện Đức Thọ yêu cầu huyện phải đảm bảo các phương án “4 tại chỗ” trong mùa mưa bão, nhất là chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai một cách chủ động. Tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn.
Đối với các xã ngoài đê, phải tiến hành cắm biển cảnh báo đối với những tuyến đường ngập úng, hạn chế việc qua lại của người dân; đối với các xã vùng núi có nguy cơ xẩy ra hiện tượng sạt lở, cần xây dựng kịch bản cho từng vùng, từng địa phương và tổ chức di dời dân trong các trường hợp khẩn cấp…
Trước mắt, huyện cần khảo sát, đánh giá lại hiện trạng các hồ đập, công trình thủy lợi ở những vị trí xung yếu để có phương án sửa chữa, duy tu trước mùa mưa bão.