Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, cơ sở 3, cho biết việc để quạt, điều hòa thổi trực tiếp vào người, nhất là vùng đầu mặt sẽ gây hại cho sức khỏe. Vì khi luồng gió, khí lạnh thổi trực tiếp vào cơ thể, với tốc độ lớn và khoảng cách gần thì mồ hôi (phần hướng về phía gió) sẽ bốc hơi nhanh, nhiệt độ da giảm mạnh. Tại vùng cơ thể khuất gió, mồ hôi bốc hơi chậm, nhiệt độ da cao, mạch máu giãn rộng khiến tuần hoàn máu và sự bài tiết mồ hôi bị mất cân đối. Lúc này cơ thể dễ bị cảm, đau và cứng cổ gáy, đau đầu, thậm chí trúng gió khiến mắt và miệng méo, nặng hơn là đột quỵ.
Do đó, khi sử dụng máy điều hòa cần lưu ý duy trì nhiệt độ phòng ở mức 26 - 28 độ C, đồng thời tránh khí lạnh thổi trực tiếp vào người.
Nếu cài đặt nhiệt độ phòng thấp hơn 26-28 độ C, không khí trong phòng sẽ khô. Một số cách để tăng độ ẩm trong phòng, như treo một chiếc khăn ẩm hoặc một bát nước, sử dụng thêm máy tạo độ ẩm hoặc chọn điều hòa có chức năng làm lạnh kết hợp giúp duy trì độ ẩm trong phòng ở mức tối ưu cho hô hấp.
Khi mới đi từ ngoài môi trường nắng nóng vào phòng, nên để cơ thể có thời gian thích nghi khoảng 5 phút rồi mới bật điều hòa, và nên tắt điều hòa khoảng 20-30 phút trước khi đi ra ngoài. Vì nếu thay đổi môi trường đột ngột, với sự chênh lệch nhiệt độ lớn có thể gây sốc nhiệt.
Người già, trẻ em và phụ nữ mang thai đều không nên ngồi trong phòng điều hòa kín quá lâu. Chỉ nên sử dụng điều hòa khoảng 2-3 tiếng, dừng khoảng 30 phút rồi bật lại. Tốt nhất nên để phòng thông thoáng bằng việc mở cửa sổ để không khí lưu thông, tránh vi khuẩn sinh sôi trong phòng kín.
Bật điều hòa ở mức 26-28 độ C vừa phù hợp với nhiệt độ cơ thể, vừa không làm mất độ ẩm trong không khí. Ảnh: Thư Anh
Theo bác sĩ Vũ, nên bật tính năng “sleep” - ngủ đêm cho điều hòa. Đây là chế độ được thiết lập đặc biệt nhằm cân bằng nhiệt độ môi trường với nhiệt độ cơ thể. Thông thường, điều hòa sẽ tăng thêm 1-2 độ C trong vòng vài giờ so với nhiệt độ đã cài đặt trước, giúp người dùng không bị quá lạnh, lại tiết kiệm điện. Cùng với đó, người dùng sẽ ngủ ngon hơn vì không phải thức dậy giữa đêm để điều chỉnh nhiệt độ máy điều hòa cho phù hợp.
Ngoài ra, sử dụng máy điều hòa có chức năng lọc không khí giúp tránh các bệnh về đường hô hấp, tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Vệ sinh máy định kỳ mỗi 6 tháng giúp tránh máy tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn, cho không khí trong lành, hạn chế gây dị ứng, hắt hơi.
Đặc biệt, người dân không nên bật điều hòa nhiệt độ thấp trong thời gian dài. Làm như vậy dễ bị khô niêm mạc đường thở, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn. Nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả, rau xanh... đảm bảo cơ thể đủ chất điện giải, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Với quạt gió cần chú ý các điểm sau: không nên bật mức lớn, nên có những quãng nghỉ 15-20 phút sau vài tiếng bật quạt liên tục.
Nên nằm cùng hướng thổi của quạt, tránh để quạt thổi liên tục vào một phần cố định của cơ thể, nhất là vùng đầu mặt. Nên ngồi xa và cho quạt quay đều các hướng.
Đặc biệt, bác sĩ khuyên người dùng không sử dụng quạt ngay khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Sau khi vận động hoặc lúc cơ thể đang thoát nhiều mồ hôi, lỗ chân lông và các mạch máu đang giãn nở, nếu gặp gió mạnh từ quạt thổi trực tiếp vào người, sẽ khiến mạch máu co đột ngột. Lúc này hệ tuần hoàn có thể bị tác động tiêu cực, mất cân bằng quá trình sinh nhiệt và tản nhiệt của cơ thể, gây mệt mỏi và chóng mặt. Đây cũng là cơ hội để các loại virus, vi khuẩn có hại xâm nhập gây bệnh. Do đó, nên dùng khăn khô lau hết mồ hôi rồi bật quạt từ xa để làm mát dần.
Quạt cần được vệ sinh định kỳ mỗi 1-2 tháng, tùy theo tần suất sử dụng, để tránh bụi bẩn, vi khuẩn từ quạt gió lưu thông trong không khí gây dị ứng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, khô mắt, ngứa mắt, hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng dị ứng.