Tai họa và ẩn họa
“Làm đường kiểu này, chắc chỉ ở thành phố Hà Tĩnh mới có. Không biết đến khi nào họ mới cho chúng tôi được yên. Thà cứ để con đường cũ mà đi, gập ghềnh một chút còn tốt hơn nhiều. Nắng bụi ngập tràn thở không được, mưa chẳng ai biết đây là đường hay là sông” - bà Võ Thị Tuyết ở khối 7, phường Tân Giang mỉa mai.
Đường Nguyễn Trung Thiên biến thành... sông đã nhiều tháng nay |
"Điều đáng nói là hai bên tuyến đường có gần 200 hộ dân sinh sống. Bệnh viện thành phố, trụ sở UBND phường Tân Giang, Trường Tiều học Tân Giang cũng tọa lạc trên tuyến đường này. Ngoài ra, khu vực này còn có đền Võ Miếu, nhà thờ Tịnh Giang - nơi tấp nập người đi lễ vào những ngày cuối tuần.
Ông Trương Quang Hiếu - Chủ tịch UBND phường Tân Giang cho biết: “Trách nhiệm của nhà thầu quá kém. Hàng ngày lưu lượng người vào ra qua lại khu vực này rất đông, vậy mà hai đầu tuyến đường không hề có rào chắn hay biển cảnh báo”.
“Đã có hàng chục vụ tai nạn xảy ra trong thời điểm đơn vị thi công. Làm đường kiều này không xảy ra tai nạn mới là chuyện lạ. Nhà thầu đào sâu đến hơn 1m rồi để đấy. Mới đây cũng xảy ra hai vụ tai nạn, một ban ngày, một vào ban đêm khiến hai người nhập viện vì đều bị gãy chân. Nguy hiểm nhất là do lượng người qua lại rất đông nên xe cấp cứu bệnh nhân ra vào viện nhiều khi phải chờ đến 30 phút đường mới thông. Nếu không được cấp cứu kịp thời chẳng ai có thể nói đến tính mạng của bệnh nhân được đảm bảo” - bà Hoàng Thị Thanh - một hộ gia đình bán hàng tạp hóa sát Bệnh viện thành phố búc xúc cho biết.
Dự án nâng cấp đường Nguyễn Trung Thiên là một trong hai công trình trọng điểm của thành phố và là công trình chào mừng thàng công đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 17. Không chỉ làm thay đổi diện mạo thành phố, người dân còn kỳ vọng khi tuyến đường hoàn thành, việc đi lại sẽ thuận lợi hơn, nhất là trong dịp lễ Nô-en và Tết nguyên đán đang đến gần. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại những người có trách nhiệm đều khẳng định một cách chắc chắn, tiến độ đặt ra là không thể thực hiện được. Đến bao giờ đường Nguyễn Trung Thiên hoàn thành vẫn chưa có câu trả lời. Thi công đường kéo dài chính là thách thức giới hạn chịu đựng của người dân, bởi “ Hơn chục vụ việc đau lòng đã xảy ra, còn bao nhiêu vụ việc nữa chẳng ai biết chỉ biết là hiện tại hàng trăm hộ dân sống hai bên đường hàng ngày vào ra trên những tấm ván vắt vẻo, gập ghềnh”. Nhiều hộ dân than dài!
Nhùng nhằng đổ lỗi cho nhau
Dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Trung Thiên được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 197/QĐ - UBND, ngày 17/1/2009 với tổng mức đầu tư lên đến hơn 21 tỷ đồng. Trong đó, giá trị xây lắp công trình 8,7 tỷ đồng, chi phí GPMB hơn 9,7 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác. Cũng theo quyết định này, chủ đầu tư chịu trách nhiệm GPMB trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hiển - Giám đốc Công ty CP Xây dựng 22-12 (đơn vị thi công) thì: “Hợp đồng giữa chủ đầu tư với chúng tôi được ký vào tháng 12/2009. Nhưng không ngờ đến thời điểm đó chủ đầu tư vẫn chưa GPMB được. Không còn cách nào khác, chúng tôi lại phải “lao" vào cùng chủ đầu tư GPMB. Không chỉ vậy, việc thiết kế công trình không phù hợp cũng gây không ít khó khăn làm ảnh hưởng tiến độ". Lý giải việc thi công không có biển cảnh báo và sào chắn ngăn đường, ông Hiển cho rằng: “Không thể giăng dây dọc tuyến đường vì hàng ngày các hộ sẽ không đi lại được. Còn ở hai đầu, chúng tôi đều có sào chắn nhưng người dân lấy…trộm"(!?)
Cũng theo ông Hiển, công trình chậm tiến độ bởi thời gian qua còn có yếu tố khách quan tác động, do hai đợt mưa lũ kéo dài. Hoàn thành theo tiến độ là điều không thể, nhưng để đẩy nhanh tiến độ thi công chúng tôi cần có đủ vốn và thời tiết phải tốt. Nhà thầu chỉ cho nợ 30% vốn sau khi công trình hoàn thành. Nếu không chúng tôi sẽ bị phá sản vì lãi suất vay ngân hàng quá cao”
Người dân bức xúc khi phải suốt ngày qua lại trên con "sông" này |
Phó Ban Quản lý công trình thành phố Hà Tĩnh, ông Trịnh Xuân Bình cho biết: “Hiện đơn vị thi công đã làm được 50% khối lượng công việc; đã giải ngân được nguồn vốn 3,2 tỷ đồng. Điều này là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên châm tiến độ ngoài yếu tố khách quan còn vướng ở khâu GPMB. Hơn nữa năng lực điều hành của nhà thầu yếu”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Hương - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh khẳng định: “Chưa có công trình nào ở thành phố có tiến độ GPMB nhanh như dự án đường Nguyễn Trung Thiên. Nhà thầu đã nại ra nhiều lý do để biện minh cho năng lực yếu kém của mình”. Nếu quả như vậy thì đây cũng là bài học trong việc tổ chức đấu thầu rộng rãi đối với ngành chức năng khi mời thầu và lựa chọn nhà thầu.
Đường biến thành sông vì không có lối thoát nước. Thực tế cho thấy không phải hai trận lũ vừa qua mà trước đó, do đơn vị thi công chưa đấu nối được hệ thống thoát nước mới của đường và cống Cửa Làng thoát ra Hào Thành nên gây tình trạng ngập úng. Hàng chục hộ dân khối 8 kêu trời vì phải sống chung với nước thải, buộc họ phải gửi đơn kêu cứu đến UBND thành phố.
Nếu công trình tiếp tục chậm tiến độ, ngoài sống chung với bụi, với những ẩn họa về tai nạn rình rập nhiều hộ dân còn lo phải sống chung với tình trạng ngập nước.