Đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả được khám phá như thế nào?

Những ngày cận kề Tết nguyên đán Mậu Tuất, Cục An ninh Chính trị Nội bộ phối hợp với Cục An ninh điều tra (ANĐT) Tổng cục An ninh đã khám phá thành công đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả theo khung năng lực châu Âu.

Sự táo tợn của các đối tượng trong đường dây thể hiện ở chỗ, chúng liều lĩnh làm giả giấy tờ của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; tự thành lập hội đồng thi; tổ chức thi tuyển ở cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết..., nhằm đánh vào lòng tin của những người có nhu cầu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ.

Qua vụ án cũng cho thấy những sơ hở trong công tác quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ hiện nay.

Ngày 12-2, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã thông báo kết quả ban đầu về đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả. Liên quan đến vụ án trên, vào ngày 28-1, Cơ quan ANĐT phối hợp với Cục An ninh Chính trị nội bộ và các đơn vị liên quan đã bắt quả tang, khám xét khẩn cấp đối với các đối tượng gồm Nguyễn Văn Thuật (46 tuổi; trú tại số 66 Lương Định Của, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Đông Dương và Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi, trú tại phố Trần Cung, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), làm nghề tự do đã có hành vi tổ chức thi trái phép để cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả.

Vào thời điểm bắt giữ, các đối tượng đã tổ chức cho hơn 140 thí sinh dự thi tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh giáo dục thuộc Cục An ninh Chính trị nội bộ có thông tin về đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả theo khung năng lực Châu Âu do Nguyễn Thị Hạnh điều hành. Trong khi công tác xác minh đang được hai đơn vị nghiệp vụ tiến hành thì họ nhận được thông tin của trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học quốc gia Hà Nội (sau đây gọi tắt là Trường Đại học Ngoại ngữ) về việc họ nhận được công văn của một số đơn vị tuyển dụng, đề nghị xác minh một số trường hợp sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực Châu Âu. Song các chứng chỉ này đều là chứng chỉ giả...

Tiến hành xác minh, các trinh sát của Cục ANĐT và Cục An ninh Chính trị Nội bộ xác định, đối tượng tham gia tích cực vào đường dây là Nguyễn Thị Hạnh. Hạnh đồng thời cũng là đối tượng đang nằm trong tầm ngắm của hai đơn vị nghiệp vụ. Quê gốc tại Bắc Giang, Hạnh từng theo học tại khoa song ngữ, Trường đại học Huế. Sau đó theo học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.... Đối tượng đã chuyển công tác ở nhiều đơn vị rồi cuối cùng làm giảng viên của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội trước khi tham gia vào đường dây phạm tội này.

Nắm bắt được nhu cầu của một số người về chứng chỉ ngoại ngữ, Hạnh đứng ra tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả. Trước đó, đối tượng đã bị Công an tỉnh Bình Thuận phát hiện. Vụ việc hiện đang trong quá trình xử lý thì Hạnh tiếp tục phạm tội. Quá trình theo dõi, cán bộ của hai đơn vị nghiệp vụ phát hiện đối tượng chuẩn bị tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho một khóa mới. Địa điểm là một ngôi trường thuộc sự quản lý của một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, đây cũng là thủ đoạn tinh vi của Hạnh và đồng bọn nhằm qua mắt những người có nhu cầu thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ.

45 cán bộ, chiến sỹ của hai đơn vị nghiệp vụ được huy động vào cuộc... Từ việc bắt quả tang, khám xét khẩn cấp với hai đối tượng, CQĐT bước đầu đã làm rõ vai trò và hành vi phạm tội của các đối tượng trong đường dây: Cuối năm 2017, Thuật thống nhất với Hạnh tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả theo khung năng lực Châu Âu để thu tiền của thí sinh dự thi.

duong day to chuc thi cap chung chi ngoai ngu gia duoc kham pha nhu the nao

Giấy tờ giả các đối tượng sử dụng để đánh lừa những người có nhu cầu thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực châu Âu.

Theo sự thống nhất giữa các đối tượng thì Thuật có nhiệm vụ tìm kiếm các thí sinh có nhu cầu; sau đó lên danh sách rồi liên hệ thuê địa điểm tổ chức thi. Hạnh có trách nhiệm chuẩn bị văn bản có nội dung thể hiện Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Đông Dương (Công ty Đông Dương) liên kết Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, làm chứng chỉ giả soạn thảo tài liệu ôn thi, đề thi và các thẻ giám thị coi thi mạo danh Trường Đại học Ngoại ngữ.

Thực hiện thỏa thuận trên, Thuật đã chỉ đạo nhân viên là Đào Thị Hảo tìm, lập danh sách các thí sinh có nhu cầu dự thi, thu tiền. Sau đó, Thuật liên hệ với một trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, thuê địa điểm làm nơi tổ chức thi tuyển. Để các thí sinh dự thi tin tưởng, Hạnh đã làm giả thẻ giám thị coi thi có lôgô Trường Đại học Ngoại ngữ và công văn không số ngày 28-12-2017, thể hiện việc Công ty Đông Dương liên kết với Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức đào tạo, ôn tập sát hạch cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu Châu Âu.

Đối tượng Hạnh tự mua sách tiếng Anh và biên soạn tài liệu ôn thi, đề thi. Thuật tự lên danh sách phòng thi thể hiện đơn vị lập danh sách là Đại học Ngoại ngữ. Ngày 27-1, Thuật và Hạnh cùng với các đối tượng tổ chức có liên quan đã tổ chức cho các thí sinh ôn thi. 7h30 ngày 28-1, tổ chức cho các thí sinh thi thì bị bắt quả tang.

Sau khi bắt giữ các đối tượng, Cơ quan ANĐT và Cục An ninh Chính trị nội bộ đã tiến hành xác minh tại Trường Đại học Ngoại ngữ, xác định không có việc liên kết với Công ty Đông Dương tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Bước đầu, Hạnh đã thừa nhận cùng với Thuận tổ chức thi, cấp chứng chỉ giả cho các thí sinh dự thi. Hạnh được Thuật chia 350 triệu đồng.

Về phần Thuật, đối tượng khai báo quanh co. Thuật khai rằng do tin tưởng Hạnh có khả năng liên kết đào tạo với Đại học Ngoại ngữ nên đã tìm thí sinh và tổ chức thi, cấp chứng chỉ. Thế nhưng, Thuật không trả lời được về việc tự tổ chức thành lập hội đồng thi, thuê người làm giáo viên trông thi và tự cho mình là Chủ tịch Hội đồng thi, không thông qua Đại học Ngoại ngữ.

Về phần Đào Thị Hảo, nhân viên của Thuật, sau khi được triệu tập cho biết đã được chỉ đạo, tìm kiếm người dự thi và tìm người làm giám thị trông thi. Trước khi thi, Hảo hỏi Thuật về những vấn đề liên quan việc tổ chức thi nhưng Thuật không trả lời nên Hảo biết Thuật tổ chức thi, cấp chứng giả. Những người được thuê làm giám thị khai được Thuật, Hạnh thuê làm giám thị thực hiện công việc phát đề thi, trông thi, thu bài và chuyển cho Thuật được trả công 1 triệu đồng/ ngày và không biết các đối tượng có được cơ quan chức năng cho phép tổ chức thi cấp chứng chỉ hay không.

Đối với các thí sinh dự thi, sơ bộ lấy lời khai xác định thông qua mối quan hệ bạn bè và biết Công ty Đông Dương liên kết với Đại học Ngoại ngữ, tổ chức cấp chứng chỉ ngoại ngữ nên đã đăng ký. Số tiền họ phải nộp cho Thuật từ 3,5 đến 33 triệu đồng, tùy loại chứng chỉ.

Vụ án trên cho thấy những tồn tại, sơ hở trong công tác tuyển dụng chưa minh bạch, công khai. Nhiều cơ quan, đơn vị còn đặt nặng vấn đề bằng cấp, chưa coi trọng đánh giá thực chất năng lực. Bên cạnh đó, công tác quản lý cán bộ còn lỏng lẻo, đặc biệt trong quá trình cán bộ xin đi học, đi đào tạo không có sự kiểm tra giám sát, dẫn đến tình trạng trên.

Theo CAND

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.