Theo Cnet, trong 747 trang tài liệu giao cho Quốc hội Mỹ cuối tuần trước, Facebook thừa nhận tiếp tục chia sẻ thông tin sau tuyên bố ngưng việc này hồi tháng 5/2015, tới 61 nhà sản xuất phần cứng và phần mềm. Danh sách này khá đa dạng, từ các công ty như AOL tới dịch vụ giao hàng nhanh UPS hay ứng dụng hẹn hò Hinge. Các tài liệu này nhằm giải đáp hàng trăm câu hỏi được đặt ra cho CEO Zuckerberg bởi các thành viên của Quốc hội vào tháng 4.
Facebook cho biết công ty đã cấp một phần mở rộng sáu tháng "một lần", đặc biệt gia hạn cho các công ty trên để họ có thể thay đổi phù hợp với chính sách bảo mật mới của mạng xã hội và tạo ra các phiên bản riêng cho thiết bị của mình. Dữ liệu được chia sẻ không bao gồm thông tin về bạn bè của người dùng như tên, giới tính và ngày sinh.
"Chúng tôi hỗ trợ các công ty để xây dựng phiên bản tích hợp Facebook cho một loạt các thiết bị, hệ điều hành và các sản phẩm khác, nơi chúng tôi và các đối tác muốn cung cấp cho người dùng cách để nhận trải nghiệm Facebook", công ty cho biết trong tài liệu. "Những tích hợp này được xây dựng bởi đối tác của chúng tôi, cho người dùng của chúng tôi, nhưng đã được Facebook phê duyệt".
Tài liệu của Facebook cũng cho biết họ đã phát hiện rằng năm công ty khác "về mặt lý thuyết có thể truy cập dữ liệu của bạn bè bị giới hạn". Công ty cũng cho biết đã kết thúc 38 mối quan hệ đối tác và có kế hoạch ngừng thêm bảy mối quan hệ nữa vào cuối tháng 7.
Việc công bố là một phần trong nỗ lực thứ hai của Facebook để giải quyết các câu hỏi được đặt ra cho Mark Zuckerberg bởi các thành viên của Ủy ban năng lượng và thương mại Hạ viện Mỹ. Trước đó trong tháng 6, mạng xã hội đã đưa ra một phần giải đáp bằng văn bản cho các câu hỏi này.
Vụ điều trần của CEO Facebook Mark Zuckerberg trước cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong tháng 4 liên quan tới vụ bê bối trong mối quan hệ của công ty với Cambridge Analytica, một đơn vị tư vấn kỹ thuật số có liên quan với chiến dịch tranh cử tổng thống Trump. Cambridge Analytica đã âm thầm truy cập và sử dụng không xin phép thông tin cá nhân của khoảng 87 triệu người dùng Facebook. Sự việc khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu Facebook có đáng tin cậy trong để bảo vệ thông tin cá nhân của 2 tỷ người dùng hiện nay của họ hay không.
Công ty cũng bị nghi ngờ đã không làm đủ để ngăn chặn sự lạm dụng từ những kẻ lừa đảo Nga trong việc đăng thông tin sai lệch và nội dung gây chia rẽ trên nền tảng này. Bên cạnh đó, các nhà lập pháp đặc biệt quan tâm tới việc Facebook cho phép Huawei truy cập đặc biệt vào dữ liệu người dùng. Bởi Huawei là công ty Trung Quốc thường xuyên được nhắc tới trong các vấn đề đảm bảo an ninh với chính phủ Mỹ.
Còn các cuộc tranh cãi nói trên bắt đầu nổ ra vào tháng 6 khi New York Times đưa tin rằng Facebook đã có thỏa thuận cung cấp quyền truy cập vào một lượng lớn dữ liệu người dùng cho ít nhất 60 nhà sản xuất thiết bị smartphone khác nhau, từ Apple, Microsoft, Samsung cho tới BlackBerry.
Trong một thử nghiệm, phóng viên của New York Times đã đăng nhập vào Facebook qua thiết bị BlackBerry 2013, sử dụng một tài khoản với khoảng 550 bạn bè để theo dõi các dữ liệu được yêu cầu và nhận được. Thông qua một ứng dụng gọi là The Hub, thiết bị đã có thể có được "thông tin nhận diện" của 295.000 người dùng Facebook.
Facebook đã không phản hồi về vấn đề này nhưng cho biết đang có những hành động để đảm bảo các vụ việc như Cambridge Analytica sẽ không xảy ra một lần nữa. Công ty sẽ điều tra tất cả các ứng dụng có quyền truy cập vào một lượng lớn dữ liệu và hạn chế quyền truy cập dữ liệu của các nhà phát triển nhiều hơn nữa.