Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 1.767.855 ca nhiễm và 108.281 ca tử vong do nCoV tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 76.136 và 6.145 ca so với hôm qua. 401.873 người đã hồi phục.
Tình nguyện viên phát thực phẩm cho người khó khăn tại bang Florida, Mỹ, hôm 11/4. Ảnh: AFP.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 524.903 ca nhiễm nCoV, tăng 33.633 trường hợp so với hôm qua, trong đó 20.389 người đã chết. Số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ hôm qua đã vượt qua Italy, đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận hơn 2.000 chết vì nCoV trong một ngày.
Các chuyên gia y tế cảnh báo số người chết tại Mỹ có thể tăng lên 200.000 vào mùa hè nếu các biện pháp hạn chế đi lại và cách biệt cộng đồng được gỡ bỏ sau 30 ngày. Tổng thống Donald Trump hôm 10/4 nói rằng ông đang đối mặt với quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình đó là xác định thời điểm mở cửa lại nền kinh tế Mỹ.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 3.579 ca nhiễm và 399 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 161.852 và 16.480. Nước này là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Chính phủ Tây Ban Nha kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 25/4 và có thể gia hạn dù tình hình dịch bệnh có nhiều tín hiệu tích cực.
Italy phát hiện 4.694 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 152.271, trong đó 19.468 người chết, tăng 619 ca. Cả hai mức tăng đều cao hơn so với một ngày trước đó.
Italy đã phong tỏa toàn quốc từ ngày 9/3, yêu cầu dân chúng ở nhà và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu. Thủ tướng Giuseppe Conte gia hạn phong tỏa toàn quốc cho đến 3/5, nhưng cho phép một số loại cửa hàng mở lại từ 14/4, bao gồm hiệu sách, tiệm bán văn phòng phẩm và quần áo trẻ em.
Pháp là vùng dịch lớn thứ tư thế giới, với 130.727 người dương tính nCoV và 13.851 người chết, tăng lần lượt 5.858 và 654 ca so với hôm trước. Pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3, dự kiến đến 15/4. Tuy nhiên, chính quyền Pháp sẽ gia hạn phong tỏa vì biện pháp này kiềm chế dịch hiệu quả.
Đức báo cáo thêm 2.117 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm nCoV lên 124.288, trong đó 2.767 người đã chết. Chính phủ Đức đã đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4. Nước này dự kiến ra mắt ứng dụng điện thoại theo dõi các chuỗi lây nhiễm vào cuối tháng.
Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 79.874 người nhiễm. Số ca tử vong trong 24 giờ qua tăng thêm 934, nâng số người chết vì nCoV 9.892. Các chuyên gia Mỹ cảnh báo Anh sẽ trở thành quốc gia hứng chịu hậu quả nghiêm trọng lớn nhất vì Covid-19 ở châu Âu, có thể chiếm hơn 40% ca tử vong ở châu lục.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu hôm nay.
Iran là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 70.029 ca nhiễm và 4.357 người chết.
Tại Đông Nam Á, Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 4.530 ca nhiễm và 73 ca tử vong. Indonesia là nước có số người chết cao nhất khu vực với 327 trường hợp, tăng 21 ca so với hôm trước, trong tổng số 3.842 ca nhiễm.
Singapore phát hiện thêm 121 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 2.229, trong đó 8 người tử vong, tăng một ca so với hôm trước.