Đó chính là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Minh - nguyên Bí thư Thị ủy Hà Tĩnh (nay là Thành ủy Hà Tĩnh), nguyên đại biểu Quốc hội khóa III, vị Trưởng Công an huyện Thạch Hà đầu tiên. Ông Minh cũng vinh dự là người được trực tiếp 2 lần gặp Bác Hồ.
Bà con làng Sen, xã Kim Liên đón Bác về thăm quê nhà - Ảnh: T.L
Mừng lo ngày gặp Bác...
Tròn 60 năm kể từ sau lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, ấy vậy mà, đến bây giờ khi nhắc lại, ông Nguyễn Văn Minh vẫn xúc động, bồi hồi.
Kể về Bác, giọng ông rưng rưng: “Năm 1957, khi đang là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Thạch Hà, tôi may mắn được đón Bác và được nghe Người nói chuyện trong lần về thăm Hà Tĩnh. 6h30’ sáng 15/6/1957, đoàn xe của Bác vào đến thị xã Hà Tĩnh. Nói chuyện với cán bộ và nhân dân, Bác giản dị lắm, ân cần lắm, tất cả chúng tôi như nín thở nuốt lấy từng lời Bác căn dặn”.
10 năm sau, khi đã là đại biểu Quốc hội, tháng 4/1966, trong đợt tham dự kỳ họp Quốc hội khóa III, ông Nguyễn Văn Minh may mắn được gặp Bác lần thứ 2.
Ông bồi hồi nhớ lại: “Sau khi kết thúc một kỳ họp của Quốc hội vào buổi trưa, tôi cùng các đồng chí trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh được đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác thông báo riêng là chiều nay 14h các đoàn đến Phủ Chủ tịch để gặp Bác Hồ. Lúc đó, tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì được gặp Bác, lo là không biết mình có đủ bình tĩnh như ngày thường để trả lời Bác không. Bởi thực ra, được gặp Bác, nhìn thấy Bác trên khán đài, trên ghế đoàn Chủ tịch, cũng từng được nghe Bác nói chuyện nhưng chưa lần nào được ngồi đối diện với Bác, chuyện trò cùng Bác. Cả trưa hôm đó, anh em chúng tôi không ai ngủ được, lòng náo nức tới giờ gặp Bác”.
“Đúng 13h30’, chúng tôi ai nấy gọn gàng ngồi ở phòng chờ để gặp Bác. Mấy phút sau, Bác xuất hiện. Tôi nhớ như in, hôm đó trời tháng 4 vẫn còn se lạnh nên Bác khoác chiếc áo kaki bạc màu, tay phải cầm tập tài liệu, Bác nở nụ cười thân mật, gần gũi với chúng tôi rồi đi thẳng đến bàn làm việc. Sau khi trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe từng người, đến đoàn Hà Tĩnh, Bác hỏi:
- Hà Tĩnh nhiều rừng, nhiều gỗ mà tại sao gỗ vẫn thiếu?
Tôi trả lời:
- Dạ thưa Bác, Hà Tĩnh nhiều rừng, nhiều gỗ, nhưng do quản lý còn kém, khai thác và vận chuyển khó khăn nên ở trên rú thì thừa còn đồng bằng vẫn thiếu.
Nghe xong câu trả lời, Bác im lặng. Rồi Bác lại ân cần:
- Thế từ khi có máy xay xát thì cối xay tay có còn không?
- Dạ thưa Bác, tuy có máy xay xát nhưng chỉ có một số vùng, còn dân trung du, miền núi vẫn dùng cối xay tay.
Bác gật đầu rồi bảo: "Đúng rồi, lúc ni phải đi bằng tay chân”. Bác còn căn dặn, Hà Tĩnh cán bộ nữ mà 15% là quá thấp, ít nhất phải được 25%...
Chúng tôi tiếp thu từng lời, từng ý của Bác về báo cáo với BTV Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh để triển khai thực hiện.
Lần đó, chỉ 30 phút được gặp Bác mà cả đời tôi như được lớn lên. Hình ảnh của Bác, những lời chỉ bảo ân cần, cách làm việc gần gũi, khoa học, phong thái giản dị và tình cảm nồng ấm của Người đã in đậm dấu ấn trong suốt cuộc đời tôi. Mỗi khi nhớ lại, tôi tự nhủ mình càng phải sống và làm việc thật xứng đáng với lời dạy của Người”.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Nguyễn Văn Minh vẫn theo dõi sát sao tình hình phát triển của quê hương, đất nước qua báo, đài...
Suốt đời theo lời Bác dặn
Ông Nguyễn Văn Minh sinh năm 1928, tại xã Thạch Thượng (nay là thị trấn Thạch Hà). Năm 19 tuổi, ông đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trải qua nhiều cương vị công tác, từ Trưởng Công an huyện, rồi Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, Trưởng ban Sản xuất hợp tác hóa nông nghiệp tỉnh, đến Bí thư Thị ủy Hà Tĩnh (1971 - 1986), đại biểu Quốc hội khóa III (1964 - 1971), cả cuộc đời cống hiến, ông luôn là hạt nhân đoàn kết, tập hợp anh em, đồng chí nỗ lực vượt qua khó khăn, đặt nhiệm vụ chung lên trên hết.
Năm 1989, về nghỉ hưu tại thị trấn Thạch Hà, ông vẫn luôn giữ lối sống giản dị, phẩm chất, cốt cách mẫu mực của một đảng viên lão thành. Ông Nguyễn Sỹ Căn - Bí thư Chi bộ tổ dân phố 8 chia sẻ: “Về tham gia sinh hoạt Đảng ở địa phương, chưa bao giờ chúng tôi thấy đồng chí Minh vắng họp chi bộ. Ngay cả khi tuổi đã cao, được Đảng ủy cho miễn sinh hoạt Đảng nhưng mỗi khi Đảng bộ, Chi bộ tổ chức quán triệt nghị quyết, thảo luận, xây dựng phương hướng cho nhiệm kỳ mới, đồng chí vẫn hăng hái tham gia và đóng góp nhiều ý kiến thấu tình, đạt lý. Không những thế, đồng chí Minh còn mẫu mực trong đạo đức, lối sống, là tấm gương sáng cho các đảng viên, bà con nhân dân noi theo”.
Năm 1980, lúc đứa con trai duy nhất của gia đình được điều vào miền Nam công tác sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan an ninh, rất nhiều người khuyên ông nên nhờ những mối quan hệ mà xin cho con về Hà Tĩnh. Thế nhưng, ông vẫn mỉm cười và động viên gia đình để con vào làm nhiệm vụ theo sự phân công của tổ chức.
Đến bây giờ, khi đã ở tuổi gần 90, bên căn nhà cấp 4 cũ kỹ, ông và vợ là bà Nguyễn Thị Ngụ vui sống bên nhau và không quên căn dặn con cháu, đừng lo lắng gì cho bố mẹ, chỉ cần các con học tập, làm việc cho tốt, sống đức độ, nuôi dạy con cái trưởng thành, đó chính là niềm động viên lớn lao nhất. “Cuộc sống nhiều đầy, ít đủ, với tôi, được làm việc, được cống hiến, đóng góp cho quê hương, khi về già lại được sống một cuộc sống đời thường, bình dị bên vợ con, láng giềng như thế này là đủ rồi” - ông nói rồi nở nụ cười viên mãn.
Nhìn ông cười, lắng nghe cách ông chia sẻ, chúng tôi bỗng thấy cuộc sống thật nhẹ nhàng và thú vị, chẳng còn những bon chen, toan tính. Ông đang sống trọn cuộc đời cống hiến, hy sinh, khiêm tốn, giản dị theo những lời căn dặn của Bác, theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách của Người.