Trong cái nắng oi nồng của ngày chính hạ, anh Bùi Văn Chiến vẫn cần mẫn phơi các dụng cụ (lưới, lồng) bắt tôm, cá… để chuẩn bị cho chuyến làm việc đêm.
“Ngoài công việc đồng áng, chăm lo cho đàn gà, vịt, tôi còn đi thả lưới bắt cá, tôm để vợ mang ra chợ bán. Bình quân mỗi đêm, tôi thu trên 500 ngàn đồng, giúp gia đình 5 người ổn định cuộc sống” - anh Chiến mở đầu câu chuyện.
Anh Chiến bên vợ và các con.
Nhìn người đàn ông trung niên với khuôn mặt sạm nắng đang nở nụ cười hiền, cách tiếp chuyện từ tốn, điềm đạm ấy, chẳng ai có thể hình dung được anh từng 2 lần vướng vào vòng lao lý. Khác với mối lo ngại ban đầu của tôi, rằng những công dân đã hoàn lương và có một cuộc sống bình yên bên gia đình sẽ không muốn nhắc lại quãng thời gian sai lầm ngày trước. Anh Chiến chọn cách bình thản đối diện với quá khứ…
14 năm về trước, cũng là một ngày giữa tháng 6 (năm 1997), cậu thanh niên Bùi Văn Chiến cùng một vài người hàng xóm thân thiết đang mải miết “chén chú chén anh”, rồi câu chuyện vô thưởng vô phạt bên bàn rượu bỗng trở thành nguồn cơn gây ra xích mích, mâu thuẫn giữa Chiến với bạn nhậu. Bản tính thiếu kiềm chế cùng với đang sẵn hơi men trong người, Chiến tức chí tìm một chiếc gậy lớn, giáng mạnh vào người bạn nhậu. Sau vụ ẩu đả, Bùi Văn Chiến nhận mức án 6 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”.
Đến tháng 12 cùng năm, Chiến chấp hành án xong và trở về địa phương nhưng chỉ 3 tháng sau (tháng 3/1998), gã thanh niên này lại tiếp tục “rẽ” vào con đường tù tội với tội danh “Gây rối trật tự công cộng”. Lần “dính chàm” thứ 2, Bùi Văn Chiến lĩnh 9 tháng tù giam.
Ngoài công việc chính là thả lưới bắt cá, anh còn nuôi thêm đàn gà, vịt và trồng rau.
Ngày quay lại trại giam, anh Chiến chưa nghĩ gì nhiều về tương lai. Thế nhưng, trong một lần thăm gặp ngắn ngủi, chứng kiến gương mặt đẫm nước mắt của người mẹ đã ngoài 70, anh dằn vặt vô cùng. Kể từ đó, đêm nào Chiến cũng trăn trở về gia cảnh của mình. Bố mất sớm, chị gái đã đi lấy chồng, nhà chỉ còn lại mẹ già và vợ trẻ, lẽ ra, bản thân anh phải là trụ cột chính, thế nhưng, anh chỉ khiến người thân phải phiền lòng.
Thế rồi, tình cảm gia đình là liều thuốc làm dịu đi những day dứt trong anh. Bỏ qua mọi mặc cảm, anh quyết tâm phấn đấu cải tạo thật tốt.
Sau khi ra tù, anh Chiến tìm mọi cách để người thân có cuộc sống tốt hơn. Qua quá trình tìm hiểu từ anh em, bạn bè, nhận thấy thu nhập từ việc trồng cà phê ổn định hơn so với đồng ruộng, vợ chồng anh dắt díu nhau vào miền Nam làm thuê, lập nghiệp.
6 năm ở vùng đất Tây Nguyên, hằng ngày, vợ chồng anh miệt mài chăm bẵm, cày xới cho hơn 3 ha cà phê được giao khoán. Tuy nhiên, đến năm 2005, do sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, nông trường nơi anh làm việc đóng băng mọi hoạt động. Thất nghiệp, vợ chồng anh đành trở về quê.
Dẫu khó khăn nhưng được sự động viên, khích lệ từ người thân, anh quyết không nản chí. Với số vốn ít ỏi tích góp được, anh Chiến mạnh dạn mua máy cày, nhận thêm ruộng để sản xuất, canh tác. Trời không phụ lòng người, công việc của anh ngày càng thuận lợi. Ngoài 2 mẫu ruộng, vợ chồng còn nuôi thêm bò, gà, vịt…, kiếm thêm thu nhập từ thả lưới bắt tôm, cá để cải thiện kinh tế gia đình.
Ở nhà, anh Chiến còn là “người thầy”, hướng dẫn các con trong việc học tập.
Nhìn lại quãng thời gian khó khăn đã qua, anh Chiến luôn biết ơn tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ của người thân. “Nếu không có gia đình là chỗ dựa, chắc sẽ không có Bùi Văn Chiến của ngày hôm nay. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại, ngoài nguồn thu nhập ổn định, tôi thấy mình may mắn bởi có vợ luôn đồng hành, có 3 đứa con, 2 trai,1 gái xinh xắn, ngoan ngoãn…” - anh Chiến chia sẻ niềm hạnh phúc của mình.
Tin liên quan: