Giai đoạn đầu năm 2021, nhiều mẫu SUV được ra mắt thị trường Việt Nam ở cả phân khúc phổ thông và hạng sang. Đa phần trong đó là những mẫu SUV đô thị như Peugeot 2008, MG ZS 2021, Mazda CX-3 hay Mazda CX-30.
Với sự góp mặt của các “tân binh”, SUV đô thị hiện là một trong những nhóm xe có nhiều lựa chọn nhất, với khoảng giá trải rộng từ 500 triệu đến hơn 900 triệu đồng.
Giá lăn bánh của những mẫu xe trong bài viết được tính tại Hà Nội, nơi có mức thu lệ phí trước bạ và phí đăng ký biển số cao nhất. Các loại thuế, phí còn lại được tính theo đăng ký ôtô cá nhân.
Peugeot 2008
Cùng Kia Seltos và Toyota Corolla Cross, Peugeot 2008 là mẫu xe hoàn toàn mới trong nhóm SUV đô thị tại Việt Nam. Ra mắt tháng 12/2020, Peugeot 2008 được phân phối với 2 phiên bản Active và GT-Line.
. |
Peugeot 2008 có thiết kế nội/ngoại thất bắt mắt, với các chi tiết tạo điểm nhấn như dải LED định vị mô phỏng răng nanh sư tử, bảng đồng hồ kỹ thuật số hiển thị kiểu 3D (trên phiên bản GT-Line).
Hàng ghế sau của Peugeot 2008 tương đối thoáng đãng do được đặt thấp hơn so với hàng ghế trước. Nhờ vậy, không gian trên đầu hành khách tăng lên, tuy nhiên tầm nhìn ra bên ngoài bị hạn chế.
. |
Peugeot 2008 được trang bị động cơ tăng áp 1.2L, công suất 133 mã lực, mô-men xoắn cực đại 240 Nm và hộp số 6 AT. Có thiết kế đẹp, nhiều công nghệ, tuy nhiên giá bán thuộc dạng cao trong phân khúc khiến xe kén khách.
MG ZS 2021
MG ZS là mẫu SUV đô thị đầu tiên đón nhận bản nâng cấp trong năm 2021. Phiên bản facelift của ZS được nhập khẩu từ Thái Lan thay vì Trung Quốc, đây được xem như động thái giúp người dùng an tâm hơn về nguồn gốc xuất xứ của mẫu xe này.
. |
Giá bán thấp tiếp tục là ưu thế cạnh tranh của MG ZS, khi 3 phiên bản STD+, Com+ và Lux+ được niêm yết giá tương ứng 519 triệu, 569 triệu và 619 triệu đồng. Trong đó, ZS STD+ hiện là mẫu SUV đô thị giá thấp nhất phân khúc.
Các trang bị ngoại thất đáng chú ý trên MG ZS gồm đèn LED, mâm hợp kim 17 inch 2 tone màu. Ở bên trong, xe sử dụng vật liệu giả da, vân carbon, màn hình trung tâm 10,1 inch hỗ trợ Apple CarPlay/Android Auto, có khóa thông minh, cổng sạc USB hàng ghế sau và hệ thống lọc bụi mịn.
MG ZS dùng động cơ 1.5L và hộp số CVT giả lập 8 cấp. Mức công suất 112 mã lực, mô-men xoắn 150 Nm của xe tương đối thấp so với mặt bằng chung SUV đô thị tại Việt Nam.
Mazda CX-3
Dù mới được ra mắt tại Việt Nam, thực tế Mazda CX-3 không thuộc thế hệ sản phẩm mới nhất của Mazda. Thế hệ CX-3 hiện hành trình làng từ cuối năm 2014, với một bản nâng cấp giữa vòng đời năm 2018, chủ yếu bổ sung tính năng an toàn.
. |
Thiết kế nội/ngoại thất của Mazda CX-3 gần như tương đồng dòng Mazda2 đang được bán tại Việt Nam. Không gian cabin xe không quá rộng rãi, đặc biệt ở hàng ghế thứ hai - hạn chế chung của đa số mẫu xe Mazda hiện nay.
Trang bị tiện nghi và an toàn là ưu thế của Mazda CX-3 trước các đối thủ cùng phân khúc. Phiên bản CX-3 Luxury và Premium có ghế lái chỉnh điện, nhớ vị trí, màn hình kính lái, lẫy chuyển số, đèn LED toàn bộ và la-zăng 18 inch.
Ngoài ra, phiên bản Premium được trang bị gói an toàn i-Activsense với tính năng phanh tự động, đèn pha tự động, cảnh báo điểm mù, cảnh báo lệch làn và nhắc nhở người lái nghỉ ngơi.
Mazda CX-3 sử dụng động cơ 1.5L, công suất 110 mã lực, mô-men xoắn 144 Nm và hộp số 6 AT. Hiệu năng động cơ của xe thuộc dạng yếu nhất phân khúc.
Mazda CX-30
Mazda CX-30 được xem như biến thể gầm cao của thế hệ Mazda3 mới nhất, có kích thước và không gian nhỉnh hơn Mazda CX-3. Xe được xếp vào phân khúc giữa SUV hạng B và hạng C, thuộc khoảng giá của Honda HR-V và Toyota Corolla Cross.
. |
Thiết kế nội/ngoại thất Mazda CX-30 không khác biệt nhiều Mazda3 - mẫu xe có kiểu dáng hợp thị hiếu người dùng Việt. Bên cạnh đó, CX-30 cũng được trang bị nhiều tính năng tiện nghi và an toàn. Cụ thể, xe có ghế lái chỉnh điện, nhớ vị trí, màn hình 8,8 inch, 8 loa, điều hòa 2 vùng tự động, màn hình kính lái, lẫy chuyển số, phanh tay điện tử, cửa sổ trời (bản Premium) và gói an toàn i-Activsense.
Sử dụng chung động cơ 2.0L (154 mã lực, 200 Nm) với CX-5, Mazda CX-30 cho mức hiệu năng cao trong nhóm SUV đô thị. Xe dùng hộp số 6 AT và hệ dẫn động cầu trước.
Có thiết kế bắt mắt, hiệu năng động cơ tốt và nhiều trang bị, tuy nhiên mức giá “giẫm chân” CX-5 và thuộc phân khúc kén khách khiến CX-30 được đánh giá khó tạo dấu ấn doanh số tại Việt Nam.