Một buổi tiếp dân định kỳ của UBND huyện Hương Khê.
“Điểm nóng” đầu tiên chúng tôi muốn nhắc đến đơn thư tố cáo cán bộ xã Phú Phong chiếm dụng nhiều ô đất trái pháp luật từ năm 2005. Vụ việc đã được điều tra, xác minh và xử lý hình sự. Nhiều người nguyên là cán bộ xã đã bị đưa ra xét xử, nhiều án kỷ luật hành chính kèm theo nhưng đến nay, hậu quả vẫn chưa xử lý xong.
Vụ việc “nóng” không kém là trường hợp bà Dương Thị Hòa (xã Phú Phong) làm đơn khiếu nại về việc đã nộp tiền mua đất vùng quy hoạch hồ Bình Sơn nhưng chưa được giao đất. Từ năm 2002 đến nay, vụ việc đã được nhiều cấp, ngành giải quyết nhưng vẫn chưa đạt kết quả. Cũng liên quan đến việc cấp đất tại hồ Bình Sơn, vụ tranh chấp đất giữa ông Mai Tùng Đăng với ông Bùi Xuân Vinh (xã Lộc Yên) từ năm 2006 đến nay chưa được xử lý dứt điểm. Điều đáng nói là xung quanh vụ tranh chấp này, xuất hiện nhiều dấu hiệu sai phạm của một số tổ chức, cá nhân. Vì thế, UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra việc giao đất tại khu vực hồ Bình Sơn để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.
Là huyện miền núi với hơn 100.526 ha rừng và đất lâm nghiệp, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng khiếu nại, tố cáo ở Hương Khê thêm phức tạp là những vụ việc tranh chấp đất rừng. Tại tiểu khu 226, xã Lộc Yên, do chồng chéo trong giao đất, giao rừng nên năm 2004 đã phát sinh mâu thuẫn tranh chấp giữa các hộ dân xã Gia Phố và xã Lộc Yên. Vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Đặc biệt, vụ việc khiến các cơ quan báo chí quan tâm nhiều nhất là việc tổ chức thi hành các bản án buộc ông Lê Hữu Chí ở xóm 3, xã Hương Giang trả lại 7 ha đất rừng lấn chiếm của Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê. Chi cục Thi hành án huyện đã ra quyết định tổ chức thi hành nhưng ông Chí chống đối quyết liệt. Lý do chống đối của ông Chí một phần cũng do các bản án của các cấp tòa vẫn còn một số sai sót, chưa mang tính thuyết phục cao.
Các bản án của các cấp tòa về xử lý tranh chấp đất rừng chưa mang tính thuyết phục cao khiến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vẫn kéo dài. Ảnh tư liệu
Phần lớn các vụ việc phát sinh từ nhiều năm, đã được các cấp xem xét, giải quyết đúng thẩm quyền, đúng pháp luật và đã tổ chức đối thoại nhưng công dân vẫn không nhất trí, tiếp tục khiếu kiện. Điển hình như bà Hoàng Thị Sơn (xã Phú Phong), bà Trịnh Thị Thế (xã Hương Xuân), bà Lê Thị Dung (xã Hà Linh) và bà Trần Thị Xuân (xã Hương Bình) đã được Chủ tịch UBND huyện ban hành các quyết định không chấp nhận khiếu nại, nhưng vẫn đeo bám khiếu kiện.
Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn thẳng thắn thừa nhận: Một số vụ việc tồn đọng do lịch sử để lại nên quan điểm giải quyết trong một số trường hợp chưa thống nhất. Cơ chế, chính sách, pháp luật thời gian qua còn có những bất cập, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết định giải quyết chưa quyết liệt, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự đầy đủ. Đặc biệt, một số bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc thi hành án.
“Mặc dù trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, hàng chục cán bộ từ huyện đến cơ sở đã bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng không thể vì “mất cán bộ” mà Hương Khê chùn tay trước nội dung này. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm ổn định tình hình an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển KT-XH” - Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Huấn khẳng định.