Giải trình về tuyển dụng giáo viên và tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia

Tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia.

Giải trình về tuyển dụng giáo viên và tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên thời gian qua đã đảm bảo cơ bản về số lượng, cơ cấu. Chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng lên, đã có trên 99% giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Tuy nhiên, vấn đề tuyển dụng, sử dụng đội ngũ vẫn cần tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới.

Theo chức năng quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch mạng lưới trường/lớp, không để những trường quy mô nhỏ, những lớp có số lượng học sinh không đủ theo định mức; thực hiện điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường/lớp thiếu giáo viên; ưu tiên bố trí biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên; chỉ đạo các địa phương tăng cường các giải pháp, không để xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 15/8, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên, trong đó, mầm non: 309.770 (công lập 262.155, ngoài công lập 47.615); tiểu học: 395.848 (công lập 390.873, ngoài công lập 4.975); trung học cơ sở: 305.815 (công lập 300.990, ngoài công lập 4.825); trung học phổ thông: 149.710 (công lập 135.819, ngoài công lập 13.891).

So với nhu cầu sử dụng theo định mức, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người (mầm non 43.732 người; tiểu học 18.953 người; trung học cơ sở 10.143 người; trung học phổ thông 3.161 người).

Riêng cấp trung học cơ sở, có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố, nên đến thời điểm hiện tại mặc dù toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên trung học cơ sở nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên trung học cơ sở.

Do tình trạng thiếu giáo viên, một số nơi đã ký hợp đồng giáo viên ngoài biên chế được giao, không đúng với quy định hiện hành như Krông Pắk (Đắk Lắk), Cà Mau, Thanh Oai (Hà Nội), Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị...

Giải trình về tuyển dụng giáo viên và tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia

Các học sinh đến lớp ở điểm trường lẻ phải học ghép lớp trong một phòng học ở ấp 7, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Để khắc phục kịp thời tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương năm học 2018-2019, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Bộ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng giáo viên theo từng môn học, cấp học gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có và thực hiện chính sách tinh giản biên chế, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

Về Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Kỳ thi được tổ chức từ năm 2015 đến nay đã đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng, giảm áp lực đối với thí sinh và xã hội. Tuy nhiên, còn một số khó khăn, hạn chế, thậm chí tiêu cực và gian lận.

Nhằm phát huy ưu điểm của Kỳ thi và tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với các khâu của Kỳ thi trong năm tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định phương thức tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia sẽ được tiếp tục giữ ổn định đến khi áp dụng đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới (từ năm học 2019-2023).

Trước mắt, để tổ chức tốt Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019, toàn ngành thực hiện các giải pháp cơ bản rà soát, đánh giá nghiêm túc, xử lý kịp thời tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra năm nay, để rút kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi; tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh, kiểm tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo; gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của các địa phương đối với Hội đồng thi, vai trò giám sát của các trường đại học, cao đẳng trong tổ chức thi; cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan kết quả thi; nghiên cứu để áp dụng một số điều chỉnh về kỹ thuật trong tổ chức thi...

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu rõ mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng, sử dụng giáo viên khá nhiều, khoảng 20 văn bản dưới luật, nhưng vẫn còn nhiều điểm chồng chéo, chưa thống nhất với nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, các ý kiến thảo luận tại phiên giải trình sẽ là cơ sở để đánh giá lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đội ngũ nhà giáo hiện hành, nhìn lại những vấn đề còn tồn tại để đề ra các giải pháp khắc phục. Thời gian tới, Ủy ban sẽ kiến nghị tăng cường giám sát tối cao để có đánh giá sâu hơn về lĩnh vực này./.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Trường Mầm non Thụ Lộc (xã Phù Lưu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xây dựng từ nguồn Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và nguồn xã hội hóa của địa phương. Ngôi trường khang trang, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.