Bằng lời đường mật, Phạm Văn Tiến đã chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng của những người nhẹ dạ cả tin.
Theo bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, trong 2 năm 2014, 2015, Tiến thành lập Công ty Tiến Phát. Mặc dù không được cấp giấy phép xuất khẩu lao động, song vị giám đốc này vẫn tự biên soạn “kịch bản”, giới thiệu công ty có khả năng tuyển người sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore làm việc với mức lương hấp dẫn, thời gian xuất cảnh nhanh. Không dừng lại ở đó, để “con mồi” sập bẫy, Tiến “nổ” có người quen làm lãnh đạo ở một số cơ quan trên địa bàn Hà Tĩnh, có khả năng xin việc.
Nghe lời đường mật của Tiến, 36 người ở các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã tìm tới công ty nhờ vả, đồng thời đưa cho giám đốc hơn 4 tỷ đồng để lo lót công việc. Tuy nhiên, hành vi lừa đảo của Tiến đã bị phát giác. Các nạn nhân lúc này mới vỡ lẽ, yêu cầu giám đốc trả lại tiền, song y chỉ trả được cho 19 người với số tiền khoảng 1 tỷ đồng. Số còn lại, Phạm Văn Tiến dùng chi tiêu cá nhân, trả tiền thuê trụ sở, thuê xe ô tô. Đến tháng 4/2016, vị giám đốc này đã phải tra tay vào còng số 8 với tội danh lừa đảo.
“Chẳng hiểu sao nói gì người ta cũng tin?! Thấy việc kiếm tiền quá dễ dàng nên bị cáo nảy sinh lòng tham, từ đó, cứ lừa hết người này sang người khác” - Tiến cho hay.
Thủ đoạn của bị cáo rất đơn giản, sau khi thành lập công ty, ngoài tư vấn trực tiếp cho người lao động, y còn lân la tại một số bệnh viện hay những nơi tập trung đông người để tìm “mối”. Qua quá trình tiếp cận, Phạm Văn Tiến biết nhiều gia đình làm nông có nhu cầu đưa con em đi xuất khẩu lao động để “đổi đời”, hoặc mới tốt nghiệp nhưng không xin được việc làm. Bằng những lời đường mật, Tiến hứa hẹn với các nạn nhân nếu đi xuất khẩu lao động, có thể kiếm thu nhập 30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, với mối quan hệ rộng rãi, y có thể xin vào biên chế nhà nước với công việc ổn định.
“Hàng chục rồi hàng trăm triệu đồng, số tiền đưa đến mỗi ngày một nhiều, khiến bị cáo “mờ mắt”. Cứ thế, bị cáo chiếm đoạt, rồi chi tiêu thả phanh. Khi sự việc bại lộ, sợ bị đòi lại tiền, bị cáo trả lại 30%, rồi cắt đứt liên lạc”. Bị cáo vừa dứt lời, nhiều nạn nhân có mặt tại phiên tòa không giấu được bức xúc.
Mặc dù vậy, không ít người trong số họ phải thừa nhận do bản thân quá tin người. “Chúng tôi trước khi cho con đi lao động ở nước ngoài cũng tìm hiểu kỹ càng. Thấy công ty của Phạm Văn Tiến có nhân viên tư vấn, thuê giáo viên dạy tiếng nước ngoài đàng hoàng, cứ tưởng là chỗ đáng tin cậy. Chẳng ngờ, đó chỉ là vỏ bọc, lòng tin của chúng tôi đã đặt nhầm chỗ” - ông H. (trú tại Lộc Hà) thốt lên chua chát.
Trình bày tại phiên xét xử, người đàn bà luống tuổi với vẻ mặt khắc khổ, rầu rĩ, con gái chị vừa tốt nghiệp trường cao đẳng y tế nhưng rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì quá thương con, muốn con nhanh chóng có việc làm ổn định để kiếm tấm chồng tử tế nên đánh bạo tìm đến giám đốc Tiến. Nhận 100 triệu đồng của gia đình chị, Phạm Văn Tiến hứa hẹn sẽ xin cho con gái chị vào làm cán bộ y tế tại một trường học. “Được lời như cởi tấm lòng”, cả nhà chị khấp khởi hy vọng với mối quan hệ của giám đốc, con gái sẽ nhanh chóng được “ấm thân”. Tuy nhiên, “tiền mất tật mang”, việc làm chẳng thấy đâu, vị giám đốc lừa đảo “bặt vô âm tín”, chồng chị bực bội trách mắng vợ, số tiền nợ bị anh em, họ hàng hối thúc.
Nhiều gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, chủ nợ gõ cửa đòi tiền. Không ít người vỡ mộng, chấm dứt giấc mơ đưa con đi lao động nước ngoài. Trước tình thế cám cảnh của các bị hại, hội đồng xét xử đặt câu hỏi: “Nhận hàng tỷ đồng rồi để người ta khổ sở xoay xở như vậy, bị cáo không thấy cắn rứt lương tâm sao?”. Đáp lại là câu trả lời ngắn gọn của Tiến: “Bản thân không có việc làm ổn định nên làm liều!”.
Phiên tòa kết thúc bằng những lời xin lỗi sáo rỗng của Phạm Văn Tiến. Với mức án 16 năm tù giam, vị giám đốc từng được tôn trọng, cung phụng phải lủi thủi bước đi trong sự ghẻ lạnh, trách mắng của người đời.