Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn; các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Trương Thanh Huyền chủ tọa kỳ họp.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn; các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Trương Thanh Huyền chủ tọa kỳ họp. Tham dự kỳ họp có Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, các Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các các sở, ban, ngành, địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn yêu cầu các đại biểu trả lời chất vấn cần phát huy trách nhiệm người đứng đầu, thẳng thắn và phân tích được nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan
Ngay sau phần thảo luận tại hội trường, triển khai phần chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho biết, các ý kiến của cử tri gửi đến kỳ họp đã được tổng hợp thành 11 nhóm vấn đề trên các lĩnh vực. Trên cơ sở lấy ý kiến của các đại biểu, Thường trực HĐND tỉnh đã chọn 4 nhóm vấn đề trả lời trực tiếp tại kỳ họp và 7 nhóm vấn đề trả lời bằng văn bản.
UBND tỉnh đã phân công 4 nhóm vấn đề được lựa chọn để chất vấn trực tiếp tại kỳ họp là tài nguyên - môi trường, đầu tư, tòa án và lao động - thương binh - xã hội.
Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn yêu cầu các đại biểu trả lời chất vấn cần phát huy trách nhiệm người đứng đầu, trả lời đúng trọng tâm, nội dung cốt lõi và lưu ý cần phải thẳng thắn và phân tích được nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan.
Ngoài tư lệnh ngành, các thành viên UBND khác cũng cần tham gia trả lời chất vấn. Đối với những vấn đề cần thiết, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh sẽ cùng tham gia trả lời, làm rõ các vấn đề.
Các đại biểu HĐND cần tham gia chất vấn, thể hiện trách nhiệm trước cử tri với tinh thần thẳng thắn, đúng trọng tâm, có tính xây dựng để “truy” đến cùng nguyên nhân và trách nhiệm.
Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành trả lời chất vấn
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn các “tư lệnh” ngành, Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành là người đăng đàn đầu tiên.
Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành đã thông tin về các vấn đề được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm: Việc công nhận đất ở cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng trước ngày 18/12/1980; giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân; kết quả xử lý, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp của các doanh nghiệp; việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư một số dự án trên địa bàn.
Về việc công nhận đất ở cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành cho biết: Việc công nhận lại diện tích đất ở có nguồn gốc trước ngày 18/12/1980 tiến độ đạt được rất chậm, đặc biệt tại các địa phương như: Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê...
Ông Thành cho biết, thời gian tới, ngành đã xây dựng kế hoạch làm việc với 13 huyện, thành phố, thị xã nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến việc công nhận lại đất ở trước năm 1980.
Liên quan đến việc giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân bị chồng lấn khá nhiều ở các địa phương, kéo dài nhiều năm gây ra việc tranh chấp đất đai, Giám đốc Hồ Huy Thành cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ thực hiện dự án đo vẽ bản đồ địa chính, cắm mốc ranh giới sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014.
Đối với các ban quản lý rừng và các tổ chức khác, ngành tài nguyên và môi trường sẽ thực hiện rà soát, cắm mốc ranh giới sử dụng đất, đo vẽ bản đồ của các tổ chức; kết hợp rà soát, xem xét tiếp tục thu hồi một phần diện tích sử dụng không có hiệu quả về cho các địa phương để giao đất cho nhân dân, đồng thời xử lý dứt điểm diện tích chồng lấn.
Đại biểu Bùi Nhân Sâm chất vấn Giám đốc Sở TN&MT
Trả lời về vấn đề việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư một số dự án trên địa bàn, người đứng đầu ngành TN&MT cho biết: Thời gian tới, ngành tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu thầu, nhà ở, xây dựng; nâng cao vai trò, trách nhiệm tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương (cấp huyện, xã) trong công tác bồi thường, GPMB;
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chính sách của Nhà nước trong công tác bồi thường, GPMB; tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhóm dự án có sử dụng đất.
Đại biểu Đoàn Đình Anh (tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên) chất vấn về việc chậm cấp đổi đất trước năm 1980 trách nhiệm thuộc về UBND huyện và xã. Các địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của UBND tỉnh. Vậy, đã xử lý việc này như thế nào?
Tham gia chất vấn Giám đốc Sở TN&MT, các đại biểu Đặng Văn Thành, Đoàn Đình Anh, Đặng Quốc Cương, Nguyễn Hồng Lĩnh đặt câu hỏi về các vấn đề: Xử lý như thế nào đối với các địa phương chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về cấp đổi đất trước năm 1980; khi nào thì Sở TN&MT có giải pháp tham mưu sửa đổi Quyết định 2443/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 (quy định về điều kiện, hạn mức và trình tự, thủ tục công nhận lại diện tích đất ở cho các thửa đất có vườn ao gắn liền với đất ở có nguồn gốc sử dụng trước 18/12/1980) để tháo gỡ khó khăn, giúp cấp huyện triển khai đồng bộ; giải pháp xử lý đối với tình trạng chồng lấn, tranh chấp đất rừng; việc xử lý những bất cập về quy định hạn mức cho mảnh đất lớn có nguồn gốc trước năm 1980…
Các vấn đề đại biểu chất vấn đã được Giám đốc Sở TN&MT trả lời khá cụ thể. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn thì việc giải quyết những tồn đọng, bất cập trên lĩnh vực tài nguyên - môi trường vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Mặc dù đây là những vấn đề khó và phức tạp, tuy nhiên, sự chậm trễ này đòi hỏi UBND tỉnh cần thực sự tìm nguyên nhân, giải pháp, tập trung xử lý trong thời gian tới.
Chiều nay, Kỳ họp thứ 12 sẽ tiếp tục phiên chất vấn về các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, công tác nội chính.