Tự bao giờ, Noel đã trở thành sinh hoạt văn hóa chung, là niềm ngóng đợi của toàn xã hội? Tôi tự hỏi mình không phải để đợi câu trả lời mà để cảm nhận sự ấm áp của cuộc sống đang tràn về quanh mình…
Noel là dịp để các gia đình quây quần bên nhau. Ảnh: Đình Nhất
Đã nhiều năm nay, chị Nga ở phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) vẫn có thói quen đưa con cái về nhà cha mẹ vào đêm Noel dù chị là người không có đạo. Với chị, đây là một nét văn hóa hết sức nhân văn. Chị yêu những câu chuyện tốt đẹp, những nghi lễ nhân văn của lễ hội ấy. Trong đêm Noel, gia đình chị sẽ quây quần bên nhau, ôn lại kỷ niệm để thấy lại những yêu thương đã trao nhau, để thấy cần yêu thương nhau nhiều hơn nữa. Đêm muộn, những người trẻ trong gia đình sẽ kéo nhau đến một nhà thờ Thiên Chúa nào đó rồi cùng nhau cầu nguyện sự an lành cho một năm đang tới.
Noel đang về. Không phải từ nơi nào xa ngái mà ngay giữa bộn bề cuộc sống của chúng ta. Đó có thể là một miền ký ức rưng rưng của những ngày hoa mộng bất chợt trở về. Thuở hoa niên ấy, dù không phải là người có đạo, tôi vẫn thường có mặt ở các nhà thờ Thiên Chúa vào những đêm Giáng sinh theo lời mời của bạn bè cùng lớp. Những câu chuyện đầy nhân văn về đêm Chúa giáng sinh mà bạn bè truyền tai nhau giữa giáo đường cứ theo hoài vào tâm tư, gieo lên trong tôi niềm tin về lòng tốt, sự tử tế. Thuở ấy, dù chưa hiểu hết về Thiên Chúa, tôi đã từng mơ về một đám cưới thánh thiện giữa thánh đường, âm thanh của tiếng chuông nhà thờ trong giấc mơ ấy thỉnh thoảng vẫn vọng về…
Noel từ lâu đã trở thành một sinh hoạt văn hoá độc đáo chung của người Việt. Ảnh: Khánh Thành
Noel, từ lâu đã giao hòa vào văn hóa Việt, trở thành lễ hội chung của cộng đồng. Người có đạo đón Noel theo nghi thức của họ, còn người không có đạo cũng chộn rộn sắm sửa, đón đợi Noel theo cách riêng của mình. Bởi thế, khắp phố phường, thôn xóm đều náo nức không khí chuẩn bị Noel. Người ta nhìn thấy Noel về trên những cây thông phủ tuyết trong những cửa hàng nhộn nhịp, trong không khí chuẩn bị làm hang Bethlehem ở các giáo họ, giáo xứ, ở các nhà thờ Thiên Chúa và ở các gia đình theo đạo. Người ta cũng nhìn thấy, Noel trở về trong sửa soạn quà cáp của những người yêu thương nhau, của mẹ cha dành cho con trẻ, trong nỗi mong ngóng ông già Noel của những tâm hồn thơ ấu…
Giáng sinh chầm chậm trở về trong những sắm sửa để trang hoàng nhà cửa của nhiều gia đình. Ảnh: Đình Nhất
Thành phố nhỏ của tôi cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Không khí Noel ấm áp đã về từ rất sớm trên những quầy hàng bày bán đồ trang trí Noel. Và đặc biệt là trên những cây thông Noel lớn được trang hoàng cầu kỳ ở các trung tâm thuơng mại, ở sảnh một số cơ quan. Nhiều tụ điểm vui chơi giải trí cũng xem Noel là một lễ hội lớn và lên kế hoạch tổ chức tiệc Giáng sinh. Mùa đông trở nên thật ấm áp khi ở bất kỳ nơi đâu, từ thôn dã đến thị thành, người ta đều bắt gặp không khí tất bật chuẩn bị Noel, ở bất kỳ nơi nào người ta cũng bắt gặp những gương mặt hiền hòa, ấm dịu…
Giáng sinh đến sớm trong sự chuẩn bị của nhiều cửa hàng trên các con phố. Ảnh: Đình Nhất
Có mặt trong đội thi công hang đá ở nhà thờ giáo xứ Tân Vĩnh, anh Trần Sâm ở tổ dân phố 9 - thị trấn Nghèn (Can Lộc) cho hay, năm nào cũng vậy, anh và giáo dân trong các giáo họ đều tình nguyện về nhà thờ trang trí đón giáng sinh. Bao giờ công việc ở nhà thờ hoàn thành anh mới bắt đầu trang trí nhà cửa và cùng vợ chuẩn bị quà cho cha mẹ, con cái. Giáng sinh đối với anh là một nghi lễ thiêng liêng. Và việc trang trí ở nhà thờ đối với anh cũng là một việc làm rất thiêng liêng. Ở đó, anh cảm nhận được sự ấm áp, chở che của Thiên Chúa. Và ở đó, anh cũng cảm nhận được sự an lành của những ngày xuân đang tới…
Một trong những hang đá thu hút người qua đường ở giáo xứ Tân Vĩnh - Can Lộc. Ảnh: Khánh Thành
Thông thường, ngày 25/12 mới là chính lễ Noel nhưng lễ vọng đêm 24/12 lại thu hút nhiều người tham dự hơn. Tham gia nhiều lễ vọng, tôi đã sống trong nỗi xúc động qua các vở kịch ngắn tái hiện thời khắc giáng sinh của Thiên Chúa. Cũng thông qua các đêm lễ vọng ấy, tôi mới hiểu sâu hơn về các biểu tượng như vòng lá mùa vọng, cây Giáng sinh, hang đá, ý nghĩa của việc tặng thiệp và quà trong dịp Noel…
Tôi nhớ, mùa đông năm nào, bạn đã đặt lên tóc tôi một vòng lá mùa vọng. Đó là chiếc vòng do bạn tự tay kết bằng cành lá xanh. Bạn nói, vòng lá hình tròn sẽ đem đến tình yêu thương vĩnh hằng của Thiên Chúa, còn màu xanh lá sẽ đem đến cho tôi niềm tin được cứu rỗi… Tôi đã đội vòng lá mùa vọng ấy bằng niềm tin yêu thiết tha nhất. Và, tôi tin rằng, những chiếc vòng lá mùa vọng đều được kết bằng tình cảm ấm áp, bằng tâm tư an tĩnh và bằng đức tin tuyệt đối…
Tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza, không khí Noel đã đến từ rất sớm
Trong dịp Noel, việc trang hoàng hang Bethlehem được cho là cầu kỳ và mất thời gian hơn cả. Nhất là hiện nay, phong trào làm hang đá lớn rầm rộ khắp các giáo xứ. Ở các xứ đạo, thay vì dựng lên nhiều hang đá nhỏ, giáo dân đã cùng nhau góp tiền để dựng lên những hang đá đồ sộ ở một số điểm công cộng. Vừa để nhân dân trong làng thưởng thức, vừa để đón chào du khách. Trong các hang đá là máng cỏ và các hình tượng Chúa Giê-su, Mẹ Maria, thánh cả Thánh Giuse, các thiên sứ, mục đồng... tái hiện lại câu chuyện Thiên Chúa giáng sinh.
Nếu như hang đá đem đến câu chuyện xúc động về Thiên Chúa thì cây Giáng sinh lại mang đến sự vui tươi hạnh phúc. Cây Giáng sinh chính là biểu tượng về sự an lành của gia chủ. Người ta thường chọn mua cây thông nhựa và trang trí rất đẹp với những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng và đèn trang trí lấp lánh... Người ta cũng treo lên đó những món quà nhỏ được gói cẩn thận để có thể tặng cho khách bằng tất cả tình yêu thương của chủ nhà.
Giáng sinh về trong nỗi đợi chờ quà từ ông già Noel của các em bé. Ảnh: Đình Nhất
Noel còn trở nên ấm áp giữa mùa đông bởi hành động tặng quà, tặng thiệp để bày tỏ tình cảm và chúc nhau những lời an lành. Tích xưa truyền lại, vào dịp Giáng sinh, ông già Noel thường cưỡi xe tuần lộc trên trời, đến nhà có cây thông Giáng sinh và leo qua ống khói để đem đến bỏ những món quà nhỏ vào chiếc bít tất treo bên cửa sổ tặng các em nhỏ. Truyền thuyết đó ngày nay được cả thế giới tái hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Dù ở châu lục nào, hình ảnh ông già Noel với chòm râu tuyết vẫn luôn lung linh, nhân hậu, ấm áp trong miền ký ức trẻ thơ… Có lẽ, bất kỳ đứa trẻ nào được nhận quà của ông già Noel, khi lớn lên đều biết cách trao tặng những món quà ấm áp cho người mình thương yêu…
Đồng bào có đạo từ xưa đến nay vừa tổ chức các nghi lễ của Thiên Chúa giáo vừa ăn Tết Nguyên đán, những nét sinh hoạt ấy vẫn luôn hài hòa trong đời sống văn hóa của họ. Và, ngày nay, người lương cũng đang hòa nhập vào đời sống tinh thần của người có đạo một cách rất tự nhiên. Nghĩ đến điều đó, thấy lòng mình thật ấm áp, thật thiết tha…