Chủ động các bước triển khai
Sau gần 3 tháng phân tích, đánh giá, cuối tháng 4 các trường học ở Hà Tĩnh đã kết thúc việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới.
60% trường học ở Hà Tĩnh lựa chọn bộ sách Cánh Diều
Trong đó 60% trường học lựa chọn bộ sách “Cánh Diều”; 30% trường lựa chọn bộ sách “Cùng học và phát triển năng lực”; 10% lựa chọn 3 bộ sách còn lại là: “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”.
“Việc chủ động lựa chọn sách đã giúp Hà Tĩnh triển khai sớm hoạt động tập huấn. Theo đó cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy có điều kiện được nghe các tác giả chia sẻ về mục tiêu, phương pháp tiếp cận từng bộ sách. Đây cũng là cơ hội để giáo viên thẳng thắn chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, từ đó phát huy hiệu quả của sách mới trong quá trình giảng dạy” - thầy Trần Hậu Tú, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông - Sở GD&ĐT cho biết.
Hơn 1.200 cán bộ, giáo viên được tập huấn bộ sách Cánh Diều
Ngoài việc giới thiệu chung về sách giáo khoa ở các môn học, giáo viên cũng được hiểu thêm về quan điểm tiếp cận của bộ sách; một số điểm mới trong cấu trúc, nội dung, khung phân phối chương trình; yêu cầu phương pháp giảng dạy. Đây được xem là khâu then chốt trong việc quyết định thành bại khi triển khai chương trình mới.
Chuẩn bị cho việc dạy học theo chương trình sách giáo khoa mới, các trường học đã sớm lựa chọn giáo viên năng động, luôn đi đầu trong đổi mới dạy học tiên phong thực hiện trong năm học đầu tiên, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu.
Thầy Hồ Xuân Thông - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phố Châu, Hương Sơn cho biết: “Để đổi mới một cách đồng bộ, ngoài chuẩn bị đội ngũ, chúng tôi cũng đã tham mưu với chính quyền địa phương, phụ huynh ưu tiên mọi điều kiện cơ sở vật chất cho lớp 1. Trường sẽ mua sắm ti vi thông minh hoặc máy chiếu cho các lớp 1 để quá trình dạy học giáo viên có thể sử dụng thêm các học liệu điện tử bổ sung cho bài giảng”.
Các trường học ở Thạch Hà tập huấn trực tuyến bộ sách "Cùng học và phát triển năng lực"
Việc họp phụ huynh lớp 5 tuổi cũng được 100% trường tiểu học triển khai để tuyên truyền, phổ biến cho các bậc cha mẹ những thông tin về chương trình, danh mục sách giáo khoa và tư vấn, hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị tâm lý, kỹ năng cho con trước khi bước vào lớp 1.
Đổi mới phương pháp giảng dạy
Làm thế nào để tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với chương trình? Câu trả lời được các chuyên gia viết sách đưa ra: Cần sự tỉ mỉ trong các khâu nghiên cứu sách và sự linh hoạt trong phương pháp truyền đạt nội dung kiến thức cho học sinh.
Đội ngũ giáo viên lớp 1 đã được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng tâm thế triển khai chương trình mới
Cô Phạm Thị Hồng Vân, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học thị trấn Vũ Quang cho biết: “Để thực hiện mục tiêu “Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống” theo yêu cầu sách giáo khoa mới, mỗi giáo viên đều phải không ngừng đổi mới. Riêng tôi, sau đợt tập huấn này sẽ tiếp tục nghiên cứu bộ sách để cùng với các giáo viên trong tổ bộ môn tổ chức các tiết dạy thực nghiệm để làm quen, rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, các giờ dạy cũng phải thực hiện trong không gian mở, lồng ghép nội dung lý thuyết với thực hành, giúp học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn vận dụng hiệu quả vào cuộc sống”.
Sách mẫu và tài liệu giảng dạy đã được các nhà xuất bản cung ứng ở Hà Tĩnh.
Căn cứ vào điều kiện dạy học, năng lực đội ngũ giáo viên, mỗi một địa phương, một trường học đều có sự lựa chọn sách khác nhau. Nhưng xuyên suốt ở cả 5 bộ sách được phê duyệt trong chương trình giáo dục phổ thông mới và được các trường học ở Hà Tĩnh lựa chọn đó là: chuyển từ dạy học theo định hướng phát triển kiến thức, kỹ năng sang dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Vì thế mỗi giáo viên, trường học đã và đang có sự chuyển mình trong tư duy, hành động để thực hiện mục tiêu chung là phát huy hiệu quả của các bộ sách mới.
Thầy Trần Huy Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tượng Sơn (Thạch Hà) cho biết: “Từ yêu cầu của chương trình phổ thông mới là dạy học theo định hướng phát triển năng lực, chúng tôi đã lựa chọn bộ sách “Cùng học và phát triển năng lực”. Sự lựa chọn này cũng phù hợp với điều kiện của trường và năng lực giáo viên, bởi từ nhiều năm nay, với sự chỉ đạo của phòng chuyên môn, trường đã tổ chức thực hiện phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực. Thế nên, bộ sách này sẽ là một sự tiếp nối và thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy”.