Giáo viên, học sinh Hà Tĩnh bắt nhịp với chương trình sách giáo khoa mới

(Baohatinh.vn) - Sau gần 1 tháng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên, học sinh các khối lớp 1, 2, 6 ở Hà Tĩnh đang tiếp tục khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19, sớm ổn định nền nếp, bắt nhịp với chương trình sách giáo khoa mới.

Giáo viên, học sinh Hà Tĩnh bắt nhịp với chương trình sách giáo khoa mới

Học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Bình (TP Hà Tĩnh) thực hiện kỹ năng làm việc nhóm trong giờ học.

Năm học 2021 - 2022 bắt đầu khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến mới, học sinh lớp 6 phải “nhập môn” bằng hình thức trực tuyến ngay sau ngày khai trường; học sinh lớp 1, 2 vào học muộn hơn 2 tuần so với khung thời gian, kế hoạch năm học. Mặc dù vậy, với sự nỗ lực của cả cô và trò, với sự chủ động của các trường trong việc thực hiện lộ trình thay sách giáo khoa, đến thời điểm hiện tại, giáo viên, học sinh ở Hà Tĩnh đã bắt nhịp khá tốt với chương trình mới.

Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến các trường phải thực hiện tinh giản theo hướng lựa chọn kiến thức cốt lõi để dạy học trực tiếp. Học sinh không thực hiện các hoạt động ngoại khóa, giờ chơi cũng nghỉ tại lớp... đã ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện năng lực người học như chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra. Tuy nhiên, bằng cách linh hoạt, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên Hà Tĩnh đã mang đến cho học sinh sự hào hứng ngay từ những tuần học đầu tiên thực hiện chương trình mới.

Giáo viên, học sinh Hà Tĩnh bắt nhịp với chương trình sách giáo khoa mới

Giờ Ngữ văn ở lớp 6B Trường THCS Lê Bình (TP Hà Tĩnh) trở nên hào hứng hơn bởi việc tăng cường tương tác giữa giáo viên và học sinh.

Em Trần Khánh Huyền - lớp 6B Trường THCS Lê Bình chia sẻ: “Em rất thích phương pháp học tập mới, từ sự hướng dẫn, gợi mở của cô qua những câu hỏi thú vị hay cách giao việc cho các nhóm thực hiện, chúng em đã tự tìm hiểu vấn đề và mở rộng vấn đề theo suy nghĩ của từng cá nhân. Ngoài ra, ý kiến của các bạn trong quá trình thảo luận cũng giúp em hiểu sâu hơn những yêu cầu bài học đặt ra”.

Giáo viên, học sinh Hà Tĩnh bắt nhịp với chương trình sách giáo khoa mới

Các giáo viên Trường Tiểu học Thạch Liên (Thạch Hà) đã thành thạo trong ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác học liệu điện tử.

Để tạo không khí hấp dẫn, cuốn hút học sinh, các giáo viên giảng dạy chương trình mới đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ chương trình tổng thể và chương trình môn học của các bộ sách mới, từ đó có kịch bản cụ thể cho từng tiết học.

Cô Ngô Thị Hà Lê - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Lê Bình chia sẻ: “Theo chương trình sách giáo khoa mới của bộ sách “Cánh diều”, việc dạy học không còn theo hướng truyền thụ kiến thức một chiều, không còn tình trạng học sinh ghi chép và trả lời theo khuôn mẫu. Vì thế, để bài giảng đạt hiệu quả, tôi đã thực hiện phương pháp gợi mở, sử dụng nhiều câu hỏi vấn đáp, tổ chức các hoạt động cho học sinh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để sử dụng nguồn tài liệu phong phú qua các hình ảnh, video minh họa thêm cho bài học”.

Giáo viên, học sinh Hà Tĩnh bắt nhịp với chương trình sách giáo khoa mới

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Thạch Liên nền nếp, say mê với các bài giảng sáng tạo của giáo viên trong từng giờ học.

Tại Trường Tiểu học Thạch Liên (Thạch Hà), nền nếp dạy học ở các lớp 1, 2 cũng đã ổn định sau 2 tuần học sinh đến trường. Các giáo viên đã nhuần nhuyễn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, khai thác có hiệu quả học liệu điện tử của bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

Ngoài ra, các cô cũng đã khai thác tối đa các trò chơi, hay các video, clip giải trí đan xen trong từng giờ học, giờ nghỉ giải lao, khiến các em quên đi mệt mỏi và dần yêu thích các hoạt động học tập.

Giáo viên, học sinh Hà Tĩnh bắt nhịp với chương trình sách giáo khoa mới

Dưới sự hướng dẫn của cô, các em đã biết sử dụng bộ dụng cụ học tập...

Cô Phan Thị Thanh Tâm - giáo viên chủ nhiệm lớp 1C Trường Tiểu học Thạch Liên cho hay: “Tuần học đầu tiên trôi qua khá vất vả, hiệu quả cũng chưa được như mong muốn vì chúng tôi phải vừa củng cố nền nếp, vừa tổ chức dạy học. Tuy nhiên, bước sang tuần thứ 2, các em đã biết thực hiện hiệu lệnh học tập, biết cách sử dụng bộ dụng cụ học tập, đã đọc, viết được những chữ đầu tiên”.

Giáo viên, học sinh Hà Tĩnh bắt nhịp với chương trình sách giáo khoa mới

... nhiều em đã viết được những chữ cái đầu tiên.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, kỳ nghỉ hè của học sinh tiểu học kéo dài gần 5 tháng nên với một số học sinh lớp 1 lên lớp 2 năm nay vẫn xảy ra hiện tượng quên kiến thức đã học. Vì thế, không chỉ giáo viên lớp 1 mà ngay cả lớp 2, việc khởi động tuần học đầu tiên cũng khá vất vả. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm và việc làm quen với chương trình lớp 1 năm học trước nên các giáo viên Trường Tiểu học Tây Sơn (Hương Sơn) vừa thực hiện chương trình mới, vừa củng cố lại kiến thức cho các em.

Giáo viên, học sinh Hà Tĩnh bắt nhịp với chương trình sách giáo khoa mới

Học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Tây Sơn (Hương Sơn) tương tác nhóm trong giờ Tiếng Việt.

Cô Trần Thị Kiều Liên - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Tây (Hương Sơn) thông tin: “Đến nay, việc dạy học chương trình mới đã đi vào nền nếp, trường cũng đã thực hiện tinh giản kiến thức, phù hợp với thời lượng 20 tiết/tuần nên học sinh không áp lực. Dự kiến đầu tháng 12, chúng tôi sẽ hoàn thành chương trình học kỳ 1, thời gian còn lại sẽ dành để ôn tập kiến thức cho học sinh”.

Giáo viên, học sinh Hà Tĩnh bắt nhịp với chương trình sách giáo khoa mới

Giữa những giờ giải lao tại lớp, các em được thực hiện các trò chơi, bài thể dục sôi động.

Trong những tuần học đầu tiên, các giáo viên đã có sự đầu tư nghiên cứu chương trình, linh hoạt xây dựng kế hoạch giảng dạy và lựa chọn những kiến thức cốt lõi phù hợp, đồng thời sử dụng công nghệ thông tin thành thạo, khai thác có hiệu quả các học liệu điện tử vào bài giảng. Từ nội dung sách giáo khoa, các thầy cô đã mở rộng vấn đề liên quan đến bài học, tăng cường sự tương tác với học sinh, tạo không khí hào hứng trong những giờ học.

Ông Trần Hậu Tú - Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông Sở GD&ĐT

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Trường Mầm non Thụ Lộc (xã Phù Lưu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xây dựng từ nguồn Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và nguồn xã hội hóa của địa phương. Ngôi trường khang trang, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.