Video: Giáo viên Trường Tiểu học Bắc Hà linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học
Phòng tin học của Trường THPT Cẩm Xuyên được trang bị máy tính có kết nối Internet đẩy đủ, phục vụ nhu cầu học và tra cứu thông tin của học sinh.
Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy đã giúp thầy và trò Trường THPT Cẩm Xuyên phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo và đạt hiệu quả tích cực, nhất là trong hoàn cảnh dịch COVID-19 xuất hiện ở trường học, khiến không ít học sinh và giáo viên không thể đến trường, phải kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến.
Nhà trường đã linh hoạt ứng dụng các phần mềm vào giảng dạy như: Vnedu, Smart hay Google Meet, Zoom… vào giảng dạy trực tuyến, quản lý hồ sơ và theo dõi hoạt động học tập của học sinh, hướng đến việc chuyển đổi số toàn diện.
Việc học của lớp 12A9 - Trường THPT Cẩm Xuyên được giáo viên kết hợp giữa hình ảnh trực quan sinh động và cách dạy truyền thống, giúp cho học sinh dễ hình dung và tiếp thu bài học.
Thầy Phạm Văn Đức - giáo viên môn Toán học cho biết: “Nhờ việc sử dụng công nghệ thông tin mà các tài nguyên học tập của học sinh được phong phú hơn, công tác giảng dạy cũng được triển khai hiệu quả, giáo viên có thể khai thác thư viện giáo án trực tuyến và sử dụng hiệu quả. Có thể nói, công nghệ thông tin đã tạo ra bước đột phá trong hoạt động dạy và học. Giáo viên lúc này sẽ đóng vai trò là người “chỉ đường”, hướng dẫn các em sử dụng hiệu quả các phần mềm và thiết bị công nghệ”.
Em Nguyễn Mai Linh - học sinh lớp 12A9 (Trường THPT Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Các phần mềm dạy học mà các thầy, cô sử dụng đã giúp em dễ hiểu bài hơn khi nhìn vào những hình ảnh trực quan thay vì chỉ sử dụng sách giáo khoa như trước”.
Giáo viên Trường THPT Cẩm Xuyên luôn chủ động học tập, nâng cao kỹ năng tin học, ngoại ngữ nhằm đảm bảo ứng dụng tốt công nghệ trong dạy học.
Để giáo viên phát huy vai trò “đầu tàu” trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, Ban Giám hiệu Trường THPT Cẩm Xuyên đã bồi dưỡng, khuyến khích giáo viên chủ động học tập, nâng cao kỹ năng tin học, ngoại ngữ nhằm đảm bảo ứng dụng tốt công nghệ trong dạy học.
Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Cẩm Xuyên Võ Hữu Hà cho biết: nhà trường đã có hệ thống máy tính kết nối mạng và kho dữ liệu dùng chung của ngành. Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất, giáo viên phải luôn tư duy, sáng tạo, chủ động và linh hoạt trong việc tương tác, thích ứng và xây dựng tiết học dưới sự hỗ trợ của công nghệ.
Cô Bùi Thị Bích Liên - giáo viên môn Địa lí trong một tiết dạy trực tuyến.
Tại Trường THPT Lê Hữu Trác (Hương Sơn) việc sử dụng công nghệ thông tin cũng đã được Ban Giám hiệu nhà trường sớm phổ biến các giáo viên nhằm linh hoạt việc dạy và học khi trường xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19.
Là một trong những giáo viên tiên phong sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy tại trường, theo cô giáo Bùi Thị Bích Liên - giáo viên môn Địa lí thì so với những giờ học truyền thống, giờ dạy học sử dụng công nghệ thông tin khiến học sinh hứng thú và tập trung hơn.
“Khi sử dụng công nghệ thông tin vào việc học, học sinh được nghiên cứu trước tài liệu và cơ bản sẽ nắm bắt được nội dung bài trước khi lên lớp. Trong tiết dạy, với những hình ảnh miêu tả trực quan sinh động qua máy tính hoặc màn chiếu, học sinh tiếp thu bài nhanh hơn, giáo viên trở thành người hướng dẫn, giúp các em khai mở kiến thức”, cô Bùi Thị Bích Liên chia sẻ.
Trường THPT Lê Hữu Trác đã trang bị 100 tivi và máy chiếu tại các phòng học, phòng đa chức năng, phủ mạng wifi đến tận lớp học.
Cô giáo Hồ Thị Dung Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hữu Trác thì bên cạnh những tiện ích và thuận lợi, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cũng gặp không ít khó khăn. Một số giáo viên năng lực về công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa khai thác sâu sự đa dạng của các ứng dụng. Ngoài ra, còn nhiều học sinh thường xuyên gặp phải tình trạng hệ thống mạng yếu khiến quá trình học bị gián đoạn hay một số máy tính, điện thoại chất lượng kém dẫn đến việc học trực tuyến khó khăn.
Hiện tại, Trường THPT Lê Hữu Trác đã trang bị 100 tivi và máy chiếu tại các phòng học, phòng đa chức năng, phủ mạng wifi đến tận lớp học giúp nhà trường thực hiện hiệu quả việc dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và quản lý, lưu trữ hồ sơ nhanh gọn hơn.
Các em học sinh của Trường Tiểu học Bắc Hà được học tiếng Anh một cách trực quan, dễ hiểu từ việc đưa công nghệ thông tin vào môn học.
Không chỉ tại các trường THPT mà giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã linh hoạt sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Tại Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh), nhà trường đầu tư tivi thông minh có kết nối Internet nhằm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Cô giáo Ngô Thị Thanh Nga - giáo viên bộ môn Tiếng anh (Trường Tiểu học Bắc Hà) cho hay: “Nhằm thích ứng linh hoạt phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi đã được tập huấn đầy đủ về các phần mềm dạy học trực tuyến. Khi học sinh F0, F1 nghỉ học, các em vẫn được học trực tuyến, giáo viên kết hợp cả dạy học trực tiếp và trực tuyến".
Hiện nay, 100% giáo viên tại Tiểu học Bắc Hà đã ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng, việc trao đổi, tham khảo thông tin, bài giảng trong nhà trường đều thực hiện qua tin nhắn và hòm thư điện tử.
Các bài học được giáo viên đưa vào những hình ảnh thực tế sinh động, làm tăng khả năng khám phá, hứng thú học tập, tích cực phát biểu xây dựng bài của học sinh. Những em học sinh phải nghỉ học do dịch bệnh cũng được tiếp thu đầy đủ kiến thức như các bạn, việc học không bị gián đoạn.
Những em học sinh phải nghỉ học vì dịch COVID-19 cũng được tiếp thu bài học như các bạn đi học trực tiếp nhờ việc giáo viên kết hợp giữa giảng dạy trực tuyến và trực tiếp.
Cô Nguyễn Thị Châu Long - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Hà cho biết: “Nhà trường luôn khích lệ giáo viên chủ động tăng cường sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhằm đưa đến những trải nghiệm học tập tốt nhất cho các em học sinh.
Không chỉ các hoạt động dạy học mà những áp lực về hồ sơ, sổ sách, bài giảng cũng đã giảm đi khá nhiều, giáo viên có thêm thời gian quan tâm hơn nữa đến chất lượng học của học sinh”.