Chiều 14/10, Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Thạch Hà tổ chức giao ban định kỳ tháng 10 về việc dạy học lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đánh giá chung của 82 giáo viên dạy lớp 1 tại 26 trường tiểu học, tiểu học và THCS trên địa bàn Thạch Hà, nội dung phần “âm” của chương trình lớp 1 mới chỉ gói gọn trong thời lượng rất ngắn (4 tuần 4 tiết), dẫn đến việc học sinh không nhớ được các âm đã học, nhớ lẫn lộn các chữ ghép (th, ch, nh...) và không nhớ các chữ cái để viết. Trong khi đó, phần bài đọc quá dài và yêu cầu học sinh hiểu văn bản để trả lời câu hỏi.
Cô Nguyễn Thị Bích Thúy - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A6, Trường Tiểu học thị trấn Thạch Hà chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp.
Cô Nguyễn Thị Bích Thúy - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A6, Trường Tiểu học thị trấn Thạch Hà nhìn nhận: “Phải chuyển từ hoạt động vừa học vừa chơi ở mẫu giáo sang hoạt động học tập là chủ yếu nên sự tập trung của học sinh lớp 1 chưa cao. Do đó, giáo viên phải là người gần gũi, tận tụy dành hết thời gian để bám sát nề nếp và hoạt động dạy học ngay từ những ngày đầu. Đồng thời, trong quá trình giảng dạy, cần phân hóa học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng và phụ đạo phù hợp với năng lực của từng nhóm”.
Cũng theo cô Thúy, sự linh hoạt, sáng tạo của giáo viên khi soạn giáo án là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định tới hiệu quả của bài học. Tại mục 2a, khi rút ra âm - vần mới, giáo viên cần cho học sinh đọc theo hình thức cá nhân, nhóm, lớp nhiều lần để các em khắc sâu, dễ nhớ. Với các âm khó nhớ, cần gắn với hình ảnh trực quan (ví dụ âm “x” gắn hình ảnh xe, âm “ch” gắn với câu bố mẹ chờ ngoài cổng)... để các em dễ hình dung.
Việc áp dụng hình ảnh trực quan trong giảng dạy giúp trẻ dễ nhớ, dễ hình dung.
Trong khi đó, cô Trần Thị Nhật Tiên - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học Thạch Ngọc đã tự tạo ra bảng chữ ghép và chữ khó nhớ gắn với hình ảnh trực quan để học sinh dễ hình dung như: chữ “ng” gắn liền với bắp ngô, chữ “kh” với hình quả khế, chữ “v” hình con ve, chữ “h” hình bông hoa... Đồng thời, kết hợp cùng phương pháp tập đọc chữ cái vào đầu mỗi buổi học và nhắc nhở phụ huynh kèm cặp các em tại nhà.
Phương pháp của cô Trần Thị Nhật Tiên - Trường Tiểu học Thạch Ngọc (áo cam) là tự tạo ra bảng chữ ghép và chữ cái khó nhớ gắn với hình ảnh trực quan.
“Sau 5 tuần áp dụng phương pháp dạy học này, khoảng 70% trong tổng số 37 học sinh của lớp đã nắm chắc nội dung các bài học. Đối với 4-5 em năng lực tiếp thu còn non, giáo viên chủ nhiệm đã cùng đồng hành với phụ huynh để giúp các em theo kịp chương trình”, cô Tiên cho biết thêm.
Bảng chữ được cô Tiên áp dụng
Ngoài sự nỗ lực cố gắng của mỗi giáo viên, các nhà trường cũng đã tăng cường những buổi sinh hoạt chuyên môn để các giáo viên lớp 1 có cơ hội được ngồi lại và cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm hay, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Thầy Lê Văn Phương - Phó trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Thạch Hà cho biết: “Thời gian vừa qua, chúng tôi đã tiếp nhận gần 100 ý kiến xoay quanh chương trình dạy học cho học sinh lớp 1. Phòng đã phân thành các nhóm và thống nhất phương án giải đáp để các trường tham khảo như: trao đổi, giao quyền tự chủ cho các nhà trường, giáo viên trong việc xác định thời gian, sắp xếp chương trình, linh hoạt trong sử dụng các phương pháp, thiết bị, ngữ liệu trong từng bài học để đảm bảo phù hợp với từng đối tượng học sinh...”.