BV Việt Đức tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện do đánh nhau trong dịp tết
Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy số người vào viện vì đánh nhau trong dịp Tết những năm gần đây luôn ở mức rất cao, có năm 6 ngày trước và trong tết có đến 6.000 người phải vào viện vì lý do này.
Những con số này đang cho thấy báo động về mức độ gia tăng hành vi bạo lực cũng như sự bế tắc trong ứng xử văn hóa và nhân văn của con người trong xã hội hôm nay.
Theo GS Trần Ngọc Thêm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng Trường Đại học KHXH & NV ĐHQG TP HCM cho rằng, Việt Nam hiện nay là điển hình cho một xã hội đang chuyển mình. Nếp sống văn hoá nông nghiệp truyền thống dựa trên tình nghĩa gần như đã bị phá vỡ, trong khi nếp sống của văn hoá đô thị và công nghiệp dựa trên pháp luật mới bắt đầu hình thành. Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và văn hóa đã bị đẩy tới mức giới hạn khiến cho văn hóa ứng xử giữa người với người xuống cấp báo động.
Mâu thuẫn ấy thể hiện qua các vấn đề: Pháp luật thiếu nghiêm minh, “hành xử” nặng về quan hệ hơn là trí tuệ…; những chính sách đi ngược lại với lợi ích của số đông được ban hành từ những người vô trách nhiệm; chuyện nhiều người đặt lợi nhuận kinh tế lên trên hết để đầu độc môi trường, đầu độc nhau trong những bữa ăn hằng ngày bằng đủ loại hóa chất độc hại…
Qua thời gian, những vấn đề này được tích tụ, khiến người ta cảm thấy cuộc sống của mình trở nên bất an, thiếu niềm tin. Và đó cũng là lúc người ta nảy sinh sự nghi kỵ, oán hờn với tất cả những người xung quanh, dẫn đến thiếu khả năng kiềm chế, cư xử nóng vội, bạo lực, đánh nhau… “Lẽ ra, phát triển kinh tế phải song hành với văn hóa. Văn hóa là nền tảng cho phát triển kinh tế. Nhưng ở ta, đáng tiếc, vế thứ hai chưa làm tốt được” – GS Thêm nhìn nhận.
Ảnh minh họa
Giải pháp được các chuyên gia đưa ra để hạn chế hành vi bạo lực cũng như nâng cao văn hóa ứng xử giữa người với người trong xã hội thì nhiều, như cần luật pháp nghiêm minh, một triết lý giáo dục mới phù hợp với thời đại… Nhưng sẽ chẳng có giải pháp nào khả thi nếu mỗi người không tự mình học hỏi, rèn luyện, điều chỉnh và nâng cao trình độ văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử nói riêng.
Ralph Waldo Emerson (1803–1882) – nhà viết tiểu luận, nhà thơ, triết gia người Mỹ, và cũng là người đi đầu trong phong trào tự lực cánh sinh và chủ nghĩa siêu việt từng nói: “Cách cư xử cần thời gian, và không gì thô tục hơn vội vã”. Còn Lev Tolstoy – nhà văn Nga vĩ đại nhất thế giới, tác giả cuốn tiểu thuyết bất hủ Chiến tranh & Hòa bình lại có một câu danh ngôn rằng: “Hãy ngừng nói ngay khi nhận thấy bản thân mình hoặc người nói chuyện với mình đang nổi nóng, lời không nói ra là lời vàng lời bạc”…