Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4.000 năm, cùng nền văn hóa, tín ngưỡng vô cùng đa dạng, đất nước ta cũng có rất nhiều mẫu trang phục truyền thống mang đậm nét đặc trưng cho từng thời kỳ. Một trong số đó phải kể đến áo tấc - một loại trang phục đặc thù của Việt Nam thời phong kiến.
Áo tấc đang được nhiều nhóm học sinh lựa chọn trong các bộ ảnh kỷ yếu.
Áo tấc hay áo ngũ thân tay rộng, áo lễ, áo thụng, áo rộng được sử dụng cho cả nam và nữ thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt đẳng cấp, sang hèn. Áo tấc thường đi kèm với khăn vấn (hoặc khăn đóng) đội đầu hay mũ tú tài đối với nam giới, mũ phượng, khăn vấn đối với nữ giới và mặc quần rộng (quần thụng). Áo thường chỉ được sử dụng trong những dịp lễ lớn. Trang phục này tuy không cầu kì nhưng lại chứa đựng sự tao nhã, trang trọng hiếm thấy.
Ngày nay, áo tấc là một trong số những cổ phục Việt được thiết kế cách tân sao cho vừa hiện đại, vừa giữ được nét đẹp truyền thống vốn có. Giữa trào lưu đưa trang phục cổ truyền của dân tộc vào đời sống đương đại trên khắp mọi miền đất nước thời gian gần đây, giới trẻ Hà Tĩnh cũng không đứng ngoài xu hướng.
Tập thể lớp 12A12 - Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) chụp ảnh trong trang phục áo tấc tại Khu lưu niệm Nguyễn Du.
Xuất phát từ mong muốn tái hiện và lưu giữ vẻ đẹp của phục trang Việt Nam, các bạn học sinh lớp 12A12 - Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân) mới đây đã lựa chọn chủ đề “Cổ phục” để lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của những năm tháng cuối cấp.
Bạn Võ Thuý Hằng (lớp 12A12 - Trường THPT Nguyễn Du) cho biết: “Với tình yêu, sự trân quý, niềm tự hào đối với trang phục truyền thống của dân tộc, chúng em quyết định lựa chọn cổ phục cho bộ ảnh kỷ niệm thời học sinh, thay đổi phong cách hiện đại đã vốn quen thuộc thường ngày. Khoác lên mình chiếc áo tấc, chúng em được hóa thân thành những người phụ nữ thời phong kiến với vẻ đẹp dịu dàng, tao nhã. Em mong rằng, bộ ảnh cổ phục này sẽ góp phần lan tỏa vẻ đẹp truyền thống của quê hương, đất nước”.
Các học sinh Trung tâm GDNN - GDTX Cẩm Xuyên chụp ảnh kỷ yếu với áo tấc.
Bạn Phan Đình Dy Đan (SN 2003, quê huyện Cẩm Xuyên) cũng chia sẻ: “2 năm trước, lớp tôi đã lựa chọn chủ đề cổ phục cho bộ ảnh lưu giữ thanh xuân trong những năm tháng cuối cấp. Tôi nhận thấy, những năm gần đây, ngày càng nhiều học sinh lựa chọn và thực hiện chủ đề Việt phục trong bộ ảnh kỷ yếu của mình. Đây là điều đáng mừng, thể hiện tình yêu cũng như ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của giới trẻ trong thời đại ngày nay”.
Không chỉ ở trong nước, các bạn trẻ Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng cũng đã cố gắng quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp của Việt phục tới bạn bè quốc tế. Bắt nguồn từ tình yêu những giá trị truyền thống của quê hương, bạn Hồ Thị Phượng (SN 1998, quê huyện Lộc Hà) đã thực hiện bộ ảnh với áo tấc Việt Nam ngay trên “đất nước mặt trời mọc”.
Bạn Hồ Thị Phượng thực hiện bộ ảnh cổ phục Việt tại đất nước Nhật Bản.
Phượng chia sẻ: “Tôi sang Nhật Bản sinh sống làm việc đã hơn 5 năm. Tôi mong muốn lưu giữ một bộ ảnh Việt phục ở “xứ sở hoa anh đào” để có thêm kỷ niệm đẹp ở đây. Khi mặc áo tấc chụp ảnh tại những địa điểm đẹp ở Nhật Bản, rất nhiều người nước ngoài đã rất ngạc nhiên, thích thú và hỏi tôi về bộ trang phục. Tôi đã rất vui và tự hào giới thiệu cho họ về cổ phục của Việt Nam”.
Nhận xét về trào lưu “hồi sinh” cổ phục đang phổ biến trong giới trẻ, cô Trần Thị Ngọc Anh (giáo viên Ngữ Văn - Trường THPT Nguyễn Du, Nghi Xuân) cho rằng: “Việt Nam là 1 đất nước giàu truyền thống văn hóa. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, việc nhiều bạn trẻ lựa chọn và tìm về với những giá trị cổ xưa như cổ phục Việt, theo tôi là một tín hiệu đáng mừng. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc và ý thức gìn giữ những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc của một bộ phận giới trẻ”.
Việc mặc cổ phục trong các bộ ảnh gắn với các di tích văn hóa vừa giúp lưu giữ các giá trị văn hóa, vừa quảng bá giá trị các khu di tích.
Đón đầu xu hướng yêu thích chụp ảnh theo chủ đề cổ phục Việt trong giới trẻ, các tiệm ảnh cũng đã chuẩn bị nhiều loại trang phục đa dạng để cho khách hàng dễ dàng lựa chọn. Anh Hồ Hoài Nam (Studio Bootteam, TP Vinh, Nghệ An) cho biết: “Những năm gần đây, cổ phục Việt được nhiều khách hàng của Botteam lựa chọn. Để phục vụ khách hàng, tiệm chúng tôi đã nghiên cứu, đặt may khá nhiều bộ áo tấc cho cả nam và nữ. Tôi thấy hầu như khách hàng khi lựa chọn cổ phục thường lựa chọn gắn với khung cảnh các di tích lịch sử, văn hóa như một số ngôi đền, chùa ở Nghệ An và Khu di tích Nguyễn Du, đền thờ Việt Nam Trần Triều Điện ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Như vậy, việc sử dụng cổ phục Việt không chỉ khơi dậy giá trị của trang phục mà còn quảng bá những giá trị văn hóa của di tích. Đó là điều mà chúng tôi cũng rất thích và có nhiều cảm xúc hơn khi thực hiện các bộ ảnh”.
Cổ phục Việt cũng như một số di sản văn hóa truyền thống của cha ông sẽ mai một dần nếu như chỉ dừng lại dưới hình thức trưng bày tại các bảo tàng hay xuất hiện trong các phim tài liệu, điện ảnh... Thế nhưng, bằng sự trân trọng và niềm tự hào với nét đẹp truyền thống của người Việt xưa, thế hệ trẻ đã và đang góp phần không nhỏ vào việc lưu truyền, gìn giữ và tiếp nối giá trị văn hóa.