Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào "Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt" (1966-2016), sáng nay (5/11) tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia 58 Quán sứ, Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng". Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đinh Thế Huynh, gửi lẵng hoa chúc mừng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng". |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định: hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" có thể coi là hội nghị toàn quốc lần thứ 3, sau hai hội nghị về "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" tổ chức năm 1966 và 1979, tập trung nhiều hơn cho việc sử dụng tiếng Việt ở lĩnh vực thông tin đại chúng. Bởi lẽ, trong những năm gần đây, có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí, được dư luận quan tâm và lo lắng. Đó là việc dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, cẩu thả, rút tít thiếu cân nhắc, sai thực tế, sử dụng tiếng nước ngoài khá tùy tiện... tác động tiêu cực, nhanh chóng đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc hội thảo. |
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: "Thông qua hội thảo lần này, Ban Chỉ đạo và Ban tổ chức hội thảo kính đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và các cơ quan liên quan cần chăm lo công tác chỉ đạo, quản lý, tư vấn việc sử dụng tiếng Việt, việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoàn thiện pháp luật, chính sách về ngôn ngữ, về tiếng Việt hướng tới xây dựng Bộ Luật Tiếng Việt, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nỗ lực và thành tích trong công tác này; chấn chỉnh, xử phạt nghiêm minh những hành vi sai trái, lệch lạc".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo phải rèn kĩ năng để giữ gìn sự trong sáng đi đôi với phát triển, làm mới tiếng Việt. |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo phải rèn kĩ năng để giữ gìn sự trong sáng đi đôi với phát triển, làm mới tiếng Việt. Trong quá trình hội nhập phát triển nói chung, làm giàu tiếng Việt nói riêng, việc tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại hay mượn tiếng nước ngoài để làm giàu thêm tiếng Việt là một yếu tố khách quan. Tuy nhiên, sự tiếp thu phải có chọn lọc và không đánh mất bản sắc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: "Bác Hồ đã có những lời dặn rất sâu sắc về cách nói, cách viết sao cho cách nói ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói rất rõ ràng về trong và sáng trong tiếng Việt. Tôi nghĩ rằng các nhà báo thì càng cần phải thấm thía và phải rèn kĩ năng để thực hiện những yêu cầu và vì mỗi một phát ngôn, mỗi câu văn của nhà báo có tính định hướng và lan tỏa rất sâu rộng trong xã hội và lan tỏa rất nhanh trên môi trường mạng xã hội. Tôi rất mong hội thảo này ngoài các tham luận có tính khoa học, sâu sắc cũng sẽ đưa ra được nhiều khuyến nghị đối với nhà nước, đối với xã hội để công việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt ngày càng được thực hiện tốt hơn".
Nhà báo Phan Quang trình bày tham luận tại hội thảo. |
Hơn 240 bài tham luận đã gửi đến hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng". Chiều nay, các đại biểu sẽ thảo luận 3 tiểu ban, với các chủ đề tham luận chính: Những vấn đề chung; Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên sóng phát thanh và truyền hình; Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên báo viết.