“Giữ lửa” trò Kiều ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dù có lúc thăng lúc trầm nhưng những người phụ nữ trong CLB Trò Kiều xã Xuân Liên (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) vẫn xem việc biểu diễn trò Kiều như một món ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn và họ luôn tâm huyết trao truyền cho thế hệ sau.

Video: Một phân cảnh trong trích đoạn "Gia đình viên ngoại" do CLB Trò Kiều xã Xuân Liên biểu diễn.

Đi theo những con đường làng của thôn Hải Hoa (xã Xuân Liên - Nghi Xuân), chúng tôi đến ngôi nhà của ông Nguyễn Huýnh (SN 1947) - Chủ nhiệm CLB Trò Kiều xã Xuân Liên. Ngôi nhà cấp 4 xưa cũ này chính là nơi mà các thành viên CLB sinh hoạt, luyện tập, cất giữ đạo cụ, trang phục…

Được biết, hiện CLB có 18 thành viên còn biểu diễn, trong đó có 9 thành viên là nữ. Trải qua nhiều thăng trầm, cùng với những thành viên là nam giới, những người phụ nữ trong CLB đã và đang cố gắng gìn giữ và trao truyền nghệ thuật trò Kiều cho thế hệ sau.

“Giữ lửa” trò Kiều ở Hà Tĩnh

Bà Lê Thị Hương luôn coi biểu diễn trò Kiều như một việc không thể thiếu trong đời sống.

Nói về đam mê với trò Kiều, bà Lê Thị Hương (SN 1958) - thành viên CLB cho biết: “Ngày trước, tại huyện Nghi Xuân, trò Kiều phát triển mạnh và thu hút nhiều người đến xem biểu diễn. Với các diễn viên như tôi, trò Kiều như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Thuở nhỏ, được tiếp xúc với trò Kiều, tôi mê từ lúc nào không hay.

Chỉ biết rằng, mấy chục năm trôi qua, như đã ngấm vào máu thịt, biểu diễn trò Kiều là một việc không thể thiếu trong đời sống của tôi. Đến nay, tôi vẫn miệt mài đi biểu diễn và tâm huyết dạy lại cho thế hệ sau những gì tinh túy nhất của loại hình nghệ thuật này”.

“Giữ lửa” trò Kiều ở Hà Tĩnh

Một phân cảnh trong trích đoạn “Gia đình viên ngoại” do CLB Trò Kiều xã Xuân Liên biểu diễn.

Các diễn viên trong đội trò Kiều là những chàng trai, cô gái ở độ tuổi xuân xanh, có thanh và có sắc. Họ đến với trò Kiều bằng tất cả sự yêu mến, niềm say mê. Trải qua thời gian khắc nghiệt của bom đạn chiến tranh hay thời điểm nghèo khó, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng những diễn viên hát trò Kiều vẫn không tắt lửa đam mê.

Với họ, động lực để cố gắng gìn giữ, phát huy giá trị của trò Kiều chính là sự ủng hộ nhiệt tình từ phía khán giả.

“Giữ lửa” trò Kiều ở Hà Tĩnh

Bà Nguyễn Thị Hồng Ích đã có 48 năm theo đuổi niềm đam mê biểu diễn trò Kiều.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ích (SN 1959) - thành viên CLB Trò Kiều Xuân Liên cũng đã có 48 năm theo đuổi niềm đam mê biểu diễn trò Kiều. Theo lời bà Ích, bà được các cụ: Mai Ngận, Hồ Thanh Sơn, Phan Sáu truyền dạy trò Kiều từ những năm 1970. Các vai như Thúy Kiều, Thúy Vân hay Hoạn Thư, bà đều có thể đảm nhận. Với bà, khi được hóa thân thành các nhân vật trong Truyện Kiều, bà như được sống cùng niềm vui, nỗi buồn của họ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ích chia sẻ: “Đến giờ phút này, chúng tôi vẫn đam mê mãnh liệt, khát khao cháy bỏng với trò Kiều. Tôi và các thành viên trong CLB luôn sẵn sàng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ những vở trò Kiều mang đậm bản sắc văn hóa làng quê mình. Thế nên, khi thấy ngày càng có nhiều bạn trẻ theo đuổi trò Kiều, chúng tôi rất vui mừng.

“Giữ lửa” trò Kiều ở Hà Tĩnh

Bà Lê Thị Hương (bên phải) và bà Nguyễn Thị Hồng Ích trao đổi, góp ý cho nhau sau mỗi lần biểu diễn trò Kiều.

Hiện nay, trong CLB có 9 thành viên là nữ thì đã có tới 4 thành viên là các cháu thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi. Dù còn nhỏ nhưng các cháu cũng đã có nhiều năm theo các ông, các bà luyện tập biểu diễn trò Kiều. Sự đam mê cũng như nhiệt huyết, tinh thần học hỏi của các cháu khiến chúng tôi khá yên tâm cho tương lai của trò Kiều”.

“Giữ lửa” trò Kiều ở Hà Tĩnh

Bà Nguyễn Thị Hồng Ích (bên trái) và bà Hương luôn quan tâm, chỉ dạy cho em Thanh Thảo những kỹ thuật cũng như cách biểu diễn trò Kiều, truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ.

Bằng niềm say mê cũng như tinh thần luôn học hỏi, em Nguyễn Thị Thanh Thảo (SN 2005), học sinh lớp 12A2 (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nghi Xuân) cho biết: “Trong gia đình chỉ có mỗi em theo đuổi đam mê hát trò Kiều, nhưng vì được nghe CLB Trò Kiều biểu diễn từ nhỏ nên em đã ấp ủ niềm đam mê với nghệ thuật này.

Năm 2020, em tham gia luyện tập cùng các ông, các bà tại CLB. Đến nay, em đã có thể tự tin đứng trên sân khấu biểu diễn cùng mọi người. Khi được đứng trên sân khấu diễn trò Kiều và nhận được những tràng vỗ tay của khán giả, em rất vui mừng và xem đó là động lực để bản thân ngày càng cố gắng hơn”.

“Giữ lửa” trò Kiều ở Hà Tĩnh

Được đứng trên sân khấu biểu diễn trò Kiều là niềm vui của Thanh Thảo.

Với những người phụ nữ tham gia CLB Trò Kiều như bà Hương, bà Ích hay em Thảo, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy trò Kiều chính là thể hiện ước muốn phát triển những nét sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc dân gian của quê hương.

Dẫu vậy, cả bà Hương, bà Ích cũng như các bậc cao niên trong CLB vẫn canh cánh một nỗi lo khi nhiều lớp thanh niên sẽ rời đi, thoát ly khỏi làng để đi làm kinh tế. Các diễn viên trẻ sẽ ít có cơ hội được luyện tập, biểu diễn trò Kiều và sự kế tục loại hình nghệ thuật này vẫn có nguy cơ đứt quãng.

“Giữ lửa” trò Kiều ở Hà Tĩnh

Đều đặn mỗi tuần, các thành viên của CLB Trò Kiều sinh hoạt một lần.

Ông Nguyễn Huýnh - Chủ nhiệm CLB Trò Kiều cho biết: Trò Kiều là loại hình nghệ thuật độc đáo, tác động sâu sắc tới đời sống văn hóa tinh thần của người dân xã Xuân Liên nói riêng và huyện Nghi Xuân nói chung. Cùng với “cánh” đàn ông, những người phụ nữ trong CLB dù tuổi đã xế chiều hay còn ở tuổi đôi mươi mỗi ngày đều cố gắng luyện tập, biểu diễn trò Kiều với ý niệm gìn giữ bản sắc quê hương. Việc bảo tồn và phát triển trò Kiều luôn là khát khao của tất cả thành viên trong CLB”.

Mong muốn gìn giữ, phát huy và trao truyền những giá trị của trò Kiều chính là tâm nguyện của những diễn viên trong CLB trò Kiều xã Xuân Liên. Bởi vậy, mỗi thành viên đều mong muốn được sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của các cấp chính quyền để các diễn viên tham gia biểu diễn trò Kiều có thể toàn tâm toàn ý gìn giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chủ đề Nghệ thuật dân gian

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.