Giúp con em Hà Tĩnh sử dụng thiết bị công nghệ đúng mục đích

(Baohatinh.vn) - Làm thế nào để học sinh sử dụng thiết bị công nghệ, mạng xã hội đúng mục đích, không gây ảnh hưởng tiêu cực vẫn là điều khiến giáo viên, phụ huynh ở Hà Tĩnh phải cân nhắc.

Ngày nay, internet là một nguồn tài nguyên vô tận cho phép mọi người tham khảo tài liệu, trao đổi thông tin hữu ích mà không cần tốn thêm chi phí. Điện thoại thông minh, mạng xã hội đã phát huy vai trò quan trọng trong việc kết nối trẻ em với những kho tàng tri thức; giúp trẻ mở mang hiểu biết về thế giới, không bị thụt lùi về công nghệ so với bạn bè đồng trang lứa.

111.jpg
Hầu hết các trường học đã ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội vào việc dạy học.

Chính vì vậy, việc học sinh sử dụng các thiết bị công nghệ có kết nối internet để khai thác thông tin, kiến thức phục vụ cho học tập là điều tất yếu và vô cùng cần thiết.

Hiện nay, hầu hết các trường, lớp, cấp học cũng lập các nhóm chat trên Facebook, Zalo để tiện trao đổi thông tin, liên lạc bài vở giữa giáo viên, phụ huynh, học sinh. Với học sinh cấp 2, cấp 3, phần lớn các em đã có tài khoản mạng xã hội để chủ động trong việc tham gia các nhóm chat này.

Điều này dẫn đến việc các em sẽ phải sử dụng các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng có kết nối internet một cách thường xuyên. Nếu không có ý thức và sự quản lý, định hướng của giáo viên, phụ huynh thì các em rất dễ sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng đến việc học và cuộc sống.

2.jpg
Mạng internet là nguồn tài nguyên kiến thức vô tận, giúp học sinh kết nối với thế giới, nâng cao hiểu biết.

Chị Phạm Thanh Tuyết (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Con trai tôi đang học lớp 9. Là năm cuối cấp nên bài vở nhiều, mà phần lớn giáo viên đều giao bài tập, thông báo các thông tin quan trọng trên nhóm chat của lớp nên việc con dùng mạng xã hội là đương nhiên. Dù nhắc nhở thường xuyên và kiểm soát kỹ những nội dung con thường truy cập nhưng tôi vẫn lo lắng con không thể tránh hết những nội dung tiêu cực trên mạng xã hội hoặc các con sao nhãng việc học khi trò chuyện quá nhiều qua tin nhắn, chơi game trên máy tính, điện thoại...”.

Điều lo lắng này là có cơ sở, bởi nhiều em học sinh khi được hỏi cũng thừa nhận, ngoài nhóm chat chung của lớp có sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, các em còn là thành viên của không ít nhóm chat bạn bè khác.

“Phần lớn thời gian truy cập mạng, em vẫn ưu tiên phục vụ việc học nhưng không tránh khỏi nhiều lúc bị phân tâm bởi những câu chuyện phiếm cùng các bạn. Thậm chí, có bạn còn gửi những đường link với nội dung không phù hợp vào nhóm chung” - một học sinh lớp 10 ở TP Hà Tĩnh chia sẻ.

1.jpg
Học sinh sử dụng thiết bị công nghệ và mạng xã hội phục vụ học tập là rất cần thiết nhưng cần có sự định hướng, giám sát từ phụ huynh, giáo viên.

Lợi ích của thiết bị công nghệ, mạng xã hội đối với việc học, phát triển kỹ năng, tư duy của học sinh là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên, người lớn cần có những giải pháp để giúp các con có thể sử dụng thiết bị này một cách hiệu quả và phù hợp nhất.

Cô Nguyễn Thị Lương - giáo viên Trường THCS Mỹ Châu (Lộc Hà) chia sẻ: “Giáo viên phải thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các em sử dụng thiết bị công nghệ, mạng xã hội vào những mục đích tích cực. Cùng đó, chúng tôi cũng phải sâu sát nắm bắt tâm lý, những thay đổi trong tính cách, thói quen hằng ngày của học sinh để kịp thời có sự uốn nắn, điều chỉnh phù hợp”.

Về phía phụ huynh, việc lựa chọn thiết bị công nghệ cho con cũng là một giải pháp quản lý. Anh Hoàng Văn Mạnh (TX Kỳ Anh) chia sẻ: “Con trai tôi học lớp 8, cháu đã được dùng điện thoại di động riêng nhưng tôi chỉ sắm cho cháu loại máy có kích thước màn hình lớn, hình ảnh hiển thị rõ ràng, cấu hình không quá cao, chức năng phù hợp. Đồng thời giám sát nội dung truy cập của con để quản lý, định hướng cho cháu”.

Đối với những học sinh ở cấp học thấp hơn, nhiều phụ huynh lựa chọn giải pháp cho con sử dụng tài khoản mạng xã hội nhưng nắm quyền truy cập. Điều này giúp bố mẹ quản lý được thời lượng con tham gia mạng xã hội và giám sát được nội dung truy cập, trò chuyện...

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.