Trường Tiểu học Đại Nài nằm trong khu vực gần sông Rào Cái, địa bàn thấp trũng cộng với một số hạng mục chưa đồng bộ nên nguy cơ ngập lụt cao. Vì vậy, khi dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa khu vực đô thị” hỗ trợ thực hiện xây dựng mô hình “Trường học an toàn”, nhà trường trang bị được “cẩm nang” cần thiết để ứng phó với thiên tai. BQL thiên tai trường học được thành lập; học sinh (HS), thành viên BQL, giáo viên được trang bị kiến thức về phòng ngừa thảm họa và xây dựng an toàn trường học trước biến đổi khí hậu.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với UBND phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn, hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Đặc biệt, HS được nâng cao nhận thức và kỹ năng tuyên truyền trong cộng đồng khi tham gia hội thi tìm hiểu kiến thức phòng ngừa thảm họa và an toàn trường học. Trường đã được trang bị hệ thống loa truyền thanh phục vụ công tác cảnh báo sớm và các hoạt động truyền thông. Ngoài ra, trường được hỗ trợ đặt 11 thùng rác đảm bảo vệ sinh môi trường, 162 áo phao cho HS và giáo viên với tổng trị giá gần 80 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng mới khu nhà vệ sinh dành cho HS với kinh phí 198 triệu đồng.
Cô Lê Thị Minh Phương - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Các hoạt động của dự án giúp ban giám hiệu nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, tăng cường khả năng ứng phó trước những tác động của thiên tai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hệ thống âm ly, loa truyền thanh, phóng thanh đầy đủ... vừa nâng cao hiệu quả cảnh báo sớm khi có thiên tai, vừa phục vụ các hoạt động truyền thông khác của trường”.
Tại phường Nam Hà - địa phương được hưởng lợi dự án trong năm nay, hiệu quả đã thấy rõ trong đợt mưa lụt lớn xảy ra vào tháng 10 vừa qua. Đội ứng phó cộng đồng của phường đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống một cách bài bản. Vì vậy, khi mưa lớn xảy ra, phần lớn các tuyến đường đều ngập lụt, có nơi ngập sâu 1,5m, đội ứng phó cộng đồng đã tham gia trực 24/24h, hỗ trợ những gia đình có người già, phụ nữ, trẻ em kê tài sản, khơi thông cống rãnh; tuyên truyền, kêu gọi người dân tránh xa khu vực ngập lụt nguy hiểm như ở gần hồ Bảy Mẫu và tuyến đường Đồng Quế để đảm bảo an toàn. Ông Trần Xuân Sơn - Chủ tịch UBND phường Nam Hà cho biết thêm: Từ những kiến thức, cách làm và trang thiết bị dự án hỗ trợ, trong đợt mưa lớn vào tháng 10, tại Trường
Tiểu học Nam Hà, ban giám hiệu đã sử dụng hệ thống loa truyền thanh để thông báo tới tất cả HS về diễn biến thời tiết, yêu cầu giáo viên chủ động kê bàn ghế, sách vở, chuẩn bị áo phao cho HS để dùng khi cần thiết. Loa truyền thanh của phường liên tục thông tin về mưa lũ. Đặc biệt, ngay khi có thông báo xả lũ hồ Kẻ Gỗ, tổ trưởng các tổ dân phố đã sử dụng cả loa cầm tay để liên tục thông tin cho người dân.
Với mục tiêu góp phần đảm bảo an toàn về người và tài sản; giảm thiểu tác động xấu đến tình hình KT-XH và tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng trước các thảm họa tại khu vực đô thị, dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa khu vực đô thị” đã triển khai những hoạt động khá bài bản và có giá trị thực tiễn cao. Qua đó, nhận thức của người dân được cải thiện rõ rệt, chủ động các giải pháp ứng phó để bảo vệ tài sản, tính
mạng của gia đình mình. Ông Trương Hữu Lộc (tổ dân phố 3, phường Nam Hà) cho biết: “Trước khi mưa lớn xảy ra, bà con tổ dân phố được diễn tập di dời dân, vì thế, mọi người không còn tâm lý chủ quan mà chủ động kê tài sản, nắm bắt thông tin thời tiết, không ra ngoài khi có nguy cơ ngập lụt”. Bà Nguyễn Thị Tuyết - phụ huynh Trường Tiểu học Đại Nài chia sẻ: “Con gái tôi về nhà thường kể chuyện về những kiến thức phòng ngừa thiên tai được học ở trường. Qua đó, tôi cũng học được nhiều điều mà lâu nay bản thân chưa nắm được”.