Sinh ra không được may mắn như người khác khi mắc chứng bệnh về thần kinh nên chị Vương Thị Dung (SN 1993, trú thôn Tri Khê, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà) vận động, phát âm rất khó khăn. Từ nhỏ, chị đã sống trong cảnh nghèo khổ, thiệt thòi.
Năm 2016, chị gặp gỡ và nên duyên cùng anh Nguyễn Viết Anh (SN 1978) cũng là một người khuyết tật nặng. Năm 2017, anh chị sinh được một cô con gái xinh xắn, dễ thương. Cuộc sống của gia đình trông chờ vào sạp hàng tạp hóa nhỏ của chị ở chợ, tuy nhiên, đồng vốn eo hẹp, hàng hóa không phong phú nên lượng khách cũng hạn chế, thu nhập chẳng đáng là bao.
Chia sẻ với hoàn cảnh của chị, tháng 6/2024, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã hỗ trợ 10 triệu đồng cho gia đình chị Dung để có thêm nguồn vốn buôn bán.
Chị Dung chia sẻ: “Số tiền hỗ trợ của tỉnh hội là món quà vô cùng quý giá đối với vợ chồng tôi. Có vốn, tôi đã mua sắm thêm hàng hóa, trang bị tủ đựng hàng, nhờ đó, khách mua hàng cũng đông hơn, thu nhập của gia đình được cải thiện đáng kể. Ngoài việc hỗ trợ sinh kế, cán bộ các cấp hội cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên vợ chồng tôi nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”.
Bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1973, trú TDP 8, thị trấn Thạch Hà) cũng vừa được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng để tăng quy mô cửa hàng rau, củ tại chợ Cày (thị trấn Thạch Hà).
Bà Thanh cho biết: “Có nguồn vốn này, hằng ngày, tôi mạnh dạn nhập thêm hàng hóa về bán kiếm thêm thu nhập. Với một phụ nữ khuyết tật, làm mẹ đơn thân như tôi thì sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp hội là nguồn động viên lớn lao, giúp tôi có thêm động lực để tự tin vươn lên trong cuộc sống, nuôi con ăn học nên người”.
Chị Dung và bà Thanh là hai trong số hàng trăm hội viên khuyết tật có sức lao động được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ sinh kế trong thời gian qua.
Bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn, sinh kế, các cấp hội Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho hội viên, đặc biệt là hội viên có hoàn cảnh khó khăn như: xây mới, sửa chữa nhà ở; phẫu thuật tim, đục thủy tinh thể; trao tặng học bổng, xe đạp, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em mồ côi; tặng xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật…
Vừa được hỗ trợ phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng nguồn kinh phí vận động từ chương trình giải chạy Up Race 2023 (do Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam triển khai trên cả nước), bà Thái Thị Dâng (xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ: "Trong suốt quá trình phẫu thuật, tôi được hỗ trợ 100% chi phí mổ và ăn uống, chăm sóc y tế sau mổ. Sự hỗ trợ đó đã giúp chúng tôi giảm bớt gánh nặng kinh tế, có cơ hội tìm thấy ánh sáng để hòa nhập cộng đồng".
Bằng nhiều hình thức linh hoạt như gửi thư ngỏ; trực tiếp gặp gỡ, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; phối hợp các ban, ngành liên quan; tận dụng các mối quan hệ của cán bộ hội, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi trên toàn tỉnh đã trực tiếp vận động được hơn 10,5 tỷ đồng; phối hợp vận động hơn 8,1 tỷ đồng.
Từ nguồn kinh phí này, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động bảo trợ cho gần 35.000 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và bệnh nhân nghèo, góp phần giúp các đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh các đợt cao điểm như: tết Nguyên đán, Ngày Người khuyết tật Việt Nam, Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế Thiếu nhi... thì hội rất chú trọng các hoạt động hỗ trợ thường xuyên, mang tính bền vững, lâu dài về: nhà ở, sinh kế, chữa bệnh, chi phí học tập... để tạo điều kiện, nguồn lực cho hội viên ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Thông qua các hoạt động cũng góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về việc thực hiện các chế độ, chính sách và trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với người khuyết tật và trẻ mồ côi.