Sáng 9/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương chủ trì diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 với chủ đề "Chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (DN)". Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Quốc Tuấn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết: Để chuẩn bị tổ chức diễn đàn, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN tổng hợp các vấn đề pháp lý từ thực tiễn.
Qua đó, lựa chọn 2 chủ đề được cộng đồng DN đặc biệt quan tâm để thảo luận, là: vấn đề pháp lý về trình tự, thủ tục các dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ; vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ.
Diễn đàn gồm 2 mục tiêu chính: Nhận diện được đúng và trúng các vấn đề tồn tại về pháp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để làm rõ nguyên nhân; đưa ra định hướng, giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý giúp DN phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh hy vọng: Diễn đàn sẽ tiếp tục khẳng định cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN. Đồng thời, cụ thể hóa việc đổi mới tư duy triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật. Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng đồng hành cùng cộng đồng DN để tháo gỡ đến cùng các khó khăn, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
Diễn đàn tiếp tục trao đổi các nội dung trong phiên thứ nhất; các đại biểu đã làm rõ vướng mắc pháp lý về trình tự, thủ tục các dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề “nóng” hiện nay như: bất cập trong thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng của các dự án bất động sản; vấn đề quy hoạch; việc lựa chọn nhà đầu tư, vấn đề giá đất, triển khai dự án đầu tư; quy trình thủ tục áp dụng cho dự án liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...
Vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ cũng đã được đề cập tại phiên thứ 2. Diễn đàn đã thảo luận về việc hoàn thuế giá trị gia tăng, bổ sung quy định trình tự, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng để bảo đảm minh bạch. Thuế thu nhập DN cần sửa đổi trong bối cảnh các doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực...
Kết luận diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận những đóng góp của cộng đồng DN đối với sự phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN của đất nước trong thời gian qua. Do đó, việc tháo gỡ rào cản pháp lý cho DN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh là hết sức cần thiết.
Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Tư pháp - cơ quan thường trực tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị các đại biểu đã đưa ra tại diễn đàn để tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, giao việc cho các cơ quan. Các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến để nghiên cứu, xây dựng, chỉnh lý văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo thực hiện.
Các cơ quan ban hành cần đề cao đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn trong việc xây dựng pháp luật. Tuy vậy, phía DN cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã thông tin đến hội nghị, thời gian qua, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện các hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh của DN...
Thời gian qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho DN tại Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, UBND tỉnh đãban hành chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Sở Tư pháp đã xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến pháp luật liên quan đến DN; tập trung tuyên truyền chính sách của tỉnh về hỗ trợ DN có dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hàng năm, sở đã phối hợp tổ chức tập huấn pháp luật cho DN; tổ chức đối thoại về cơ chế giải quyết tranh chấp lĩnh vực đầu tư cho DN trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế. Qua đó, tạo điều kiện để DN tiếp cận các chính sách của tỉnh, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển, làm cầu nối giữa DN và các cơ quan Nhà nước, giữa các DN với nhau.