Quyết định 20 về ban hành quy chế phối hợp trong công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh gồm các nội dung: phối hợp xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; kiểm tra, thanh tra công tác xử lý vi phạm hành chính (VPHC) và theo dõi tình hình pháp luật; cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý VPHC…
Ông Trần Công Minh, đại diện Thanh tra tỉnh trao đổi tại hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật như: Việc thực hiện biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm gặp rất nhiều khó khăn bởi lý do bảo mật khách hàng, nhiều ngân hàng “né tránh” việc cung cấp thông tin. Việc quản lý đối tượng trong quá trình làm thủ tục (địa phương đề nghị, công an xác minh và chuyển tòa án) đưa vào trại giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện, trung tâm chữa bệnh thực sự rất khó bởi khi biết bản thân “lọt” danh sách, các đối tượng sẽ tìm cách bỏ trốn.
Ông Hồ Thanh Phúc, đại diện Cục Hải quan tỉnh
Nhiều doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không triển khai. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng thu hồi lại gặp khó khăn trong việc xác định căn cứ vi phạm. Ban Quản lý KKT có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không có thẩm quyền xử phạt. Cần phải điều chỉnh lại quy định tại Điều 17, Thông tư 01/2016/TT-BCA, tăng thẩm quyền xử phạt của công an cấp huyện.
Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện xử lý vi phạm hành chính như: Một bộ phận cán bộ còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong công tác xử lý vi phạm; do xuất phát từ tâm lý e ngại nên sự chủ động vào cuộc của một số ngành, địa phương còn rất hạn chế…
Cũng tại hội nghị, nhiều câu hỏi đã được đại diện Sở Tư pháp giải đáp thỏa đáng.
Đại biểu cũng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Quyết định 20/2016/QĐ-UBND trong thời gian tới như: tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng xử lý VPHC cho các cán bộ chuyên môn; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý VPHC; cần thiết lập cơ sở dữ liệu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp (có tái phạm hay không để xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ)…