Euronews cho biết ngày 20/3, cơ quan quản lý cạnh tranh Pháp (ADLC) ra án phạt 250 triệu euro (270 triệu USD) với Google do tranh chấp kéo dài với các nhà xuất bản Pháp vì không đáp ứng những cam kết đưa ra vào tháng 6/2022.
ADLC cho rằng Google đã dùng nội dung của các tòa soạn để huấn luyện chatbot Bard, hiện được đổi tên thành Gemini, mà không thông báo cho đối tác.
Trong thỏa thuận trước đó, Google cam kết sẽ "thương lượng một cách thiện chí dựa trên các tiêu chí minh bạch, khách quan và không phân biệt đối xử". Tuy nhiên, ADLC nhận thấy Google không cung cấp tùy chọn "từ chối" dành cho nhà xuất bản khi thương lượng về phí bản quyền.
Sulina Connal, phụ trách Quan hệ đối tác tin tức và xuất bản của Google, thông báo trên blog hôm 20/3 rằng công ty chấp nhận đóng phạt nhưng mức này "quá nặng" so với những vi phạm được ADLC ghi nhận.
Connal tuyên bố Google là nền tảng đầu tiên và duy nhất đã ký thỏa thuận cấp phép quan trọng về các quyền liên quan với 280 nhà xuất bản báo chí Pháp. Họ đã trả hàng chục triệu euro mỗi năm cho hơn 450 ấn phẩm. Tuy nhiên, khoản tiền phạt ADLC đã thể hiện sự mất cân bằng về những giá trị công ty nhận được từ nội dung tin tức.
Theo Guardian, Pháp đã đấu tranh trong nhiều năm để bảo vệ quyền lợi của các nhà xuất bản và doanh thu của báo chí trước các nền tảng công nghệ. Google và các công ty khác bị cáo buộc kiếm hàng tỷ USD từ tin tức mà không chia sẻ doanh thu với tòa soạn. Để giải quyết vấn đề, Liên minh châu Âu (EU) đã xây dựng luật bản quyền mới, cho phép các phương tiện truyền thông được quyền yêu cầu bồi thường khi nội dung bị sử dụng. Pháp là quốc gia thử nghiệm sớm luật này. Sau sự phản đối ban đầu, Google và Facebook đều đồng ý trả tiền cho một số công ty truyền thông Pháp.
Business Insider đánh giá khi tranh cãi giữa các công ty công nghệ với nhà xuất bản chưa đi đến hồi kết, sự bùng nổ của chatbot tiếp tục xoáy sâu vào vấn nạn bản quyền. Năm 2022, cơ quan quản lý của Anh phạt công ty AI Clearview khoảng 9 triệu USD vì thu thập dữ liệu sinh trắc học để nhận dạng khuôn mặt. Án phạt được hủy bỏ một năm sau đó. Cuối năm ngoái, New York Times cũng kiện OpenAI, cáo buộc công ty vi phạm luật khi dùng nội dung của họ để đào tạo ChatGPT. Đến nay vụ kiện vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. Trong khi đó, một số nhà xuất bản như Axel Springer, công ty mẹ của Business Insider, đã đạt được thỏa thuận với các công ty như OpenAI về bản quyền.