Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó ở nấc cao nhất, Nghị quyết đã khoanh vùng một số đối tượng mà trước đó, họ dường như vẫn được xem là những người “tâm huyết” với Đảng, tâm huyết với sự phát triển của đất nước nhưng khi bước qua một ranh giới nào đó thì họ lại trở thành những người “quay lưng với Đảng”, thậm chí phản bội Tổ quốc, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Vậy, những người đó là ai?
Hình ảnh Thủ đô Hà Nội trang trí chào mừng Đại hội XII của Đảng lên báo nước ngoài (Ảnh: EPA) |
Theo nhà báo Phạm Đình Đảng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đó có thể là những cán bộ, đảng viên dám phản biện, dám chỉ ra những điều chưa hợp lý trong nền tảng tư tưởng, cũng như về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách và luật pháp của Nhà nước. Nhưng khi chưa được tiếp thu, phản hồi hoặc chưa giải đáp thỏa đáng, họ đã tự nghiên cứu, tự giải thích và tự cho mình là đúng.
Với tâm trạng tự phong là “hết sức trăn trở, lo âu về vận mệnh đất nước”, họ đã lan truyền trên mạng bằng các hình thức như “thư ngỏ”, “tâm thư”, “kiến nghị”... Để tăng độ “tin cậy”, họ liệt kê danh sách những người ký tên đồng tình phía dưới, trong đó có những người từng là cán bộ lãnh đạo quản lý cao cấp, trí thức có học hàm, học vị, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, bác sĩ… Tuy nhiên, không ai có thể kiểm chứng được thực hư những người ký tên đó là thật hay giả.
Nhà báo Phạm Đình Đảng cho biết: “Tôi có rất nhiều bạn bè, họ thật sự bất ngờ, không hiểu sao họ lại có tên trong danh sách kiến nghị tập thể. Họ giữ trọng trách ở các đơn vị quan trọng về đào tạo, về chính quyền. Ở đây có sự nhập nhằng, đánh lận con đen, lôi cả những người vô can vào cuộc. Tôi cho rằng, đây là những điều không đáng có, không được phép làm dưới góc độ pháp luật. Hô hào, kích động, xuống đường, kiến nghị tập thể, lôi kéo quần chúng nhằm làm rối loạn tình hình, rối loạn tư tưởng. Có một điều đáng lưu ý, một số đồng chí từng giữ vị trí lãnh đạo, từng là đảng viên cũng hùa theo. Đó là điều đáng buồn”.
Vậy, những người đó thường kiến nghị những gì? Họ thường lặp đi lặp lại yêu cầu đòi Đảng từ bỏ Chủ nghĩa Mác- Lênin, từ bỏ con đường đi lên CNXH, kêu gọi đổi tên Đảng, đổi tên nước, chấm dứt sự trấn áp và ngăn chặn nhân dân thực hiện quyền tự do, dân chủ... Không khó để nhận ra những đóng góp xây dựng Đảng không thành tâm bởi lẽ, những “thư ngỏ” “kiến nghị” được cho là gửi đến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TW; nhưng ngay lập tức, chúng được lan truyền, tán phát trên các trang mạng xã hội. Mục đích cuối cùng của họ là tuyên truyền những luận điểm sai trái, lợi dụng “kiến nghị” để nói xấu chế độ, chống phá chính quyền;vu cáo, xuyên tạc, phủ nhận và đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập…
Theo Thiếu tướng, PGS-TS Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng, thì đó là những phần tử cơ hội chính trị: “Họ dẫn lại các điệp khúc theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để làm xói mòn lòng người, thu hút một bộ phận cán bộ đảng viên đang nghi ngờ, hoang mang dao động để rồi dần dần thành lập các nhóm, các phe phái chống đảng. Điều đó là cực kỳ nguy hiểm và chúng ta phải đấu tranh, phê phán”.
Gần đây, để đưa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vào cuộc sống, Đảng và Nhà nước ta chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Ngay lập tức, trên các trang mạng và báo chí nước ngoài, các phần tử cơ hội chính trị, các thế lực thù địch cho rằng, đó chẳng qua chỉ là các cuộc đấu đá nội bộ, triệt phe phái, tranh nhau chức quyền, hạ bệ đối thủ… Trên các diễn đàn và mạng xã hội, xuất hiện bài viết của nhiều cá nhân cho rằng, nguyên nhân tham nhũng ở Việt Nam là do độc đảng sinh ra. Mục đích của họ là nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, kích động tâm trạng bất mãn của người dân trước thực trạng xã hội còn có những vấn đề chưa được giải quyết.
Bởi vậy, tại hội nghị cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (tháng 12/2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Chúng ta không sợ nói ra khuyết điểm, tiêu cực, nhưng đồng thời cũng không cho phép ai lợi dụng đấu tranh khắc phục khuyết điểm tiêu cực để bôi nhọ, kích động, chống phá Đảng ta, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Những dịp thế này, kẻ xấu dễ lợi dụng thổi phồng lên mặt khuyết điểm, kích động, chia rẽ nội bộ, phá hoại chúng ta”.
Tiến sĩ Đào Duy Quát, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, không khó để nhận ra, đâu là xây Đảng thực tâm và ai muốn lợi dụng chuyện này để chống phá Đảng: “Đấu tranh với tinh thần xây dựng dù rất quyết liệt nhưng đây là tinh thần xây dựng, đây là khách quan, trung thực. Còn góp ý mang tính chất cường điệu, khuếch đại, bôi nhọ, tính chất khai, phủ định sạch trơn thì sẽ biết ngay. Đúng là có những khuyết điểm rất nghiêm trọng của cá nhân này, tổ chức kia nhưng không thể thay thế, phủ định bản chất của Đảng ta và đẩy tới phủ định sự lãnh đạo thì biết thực tâm hay không thực tâm”.
Sai lầm, khuyết điểm đối với một Đảng cầm quyền là không thể tránh khỏi. Sửa chữa và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện suy thoái không thể không làm nhưng làm thế nào để đảm bảo được tinh thần “gạn đục, khơi trong” thì Đảng cần lắng nghe và tiếp thu có chọn lọc những ý kiến tâm huyết, xác đáng. Từ đó, Đảng mới tiếp tục giương cao được ngọn cờ tiên phong, khơi dậy được sức dân và nguồn lực xã hội để đưa đất nước Việt Nam đạt được mục tiêu giàu mạnh, hùng cường. Nếu góp ý theo cách muốn “đập đi, xây lại” thì bao nhiêu thành quả, bao nhiêu máu xương của các thế hệ đi trước bỗng chốc có thể bị vùi lấp.
Vậy, cần có cơ chế gì để cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân có diễn đàn thuận lợi góp ý cho Đảng và nhận được phản hồi? Chúng tôi sẽ đề cập nội dung này trong bài viết tiếp theo./.