GS Ngô Bảo Châu cho biết sắp tới sẽ tổ chức các câu lạc bộ hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. (Ảnh: Khánh Hiền)
Trong buổi giao lưu ngày 26/4 với cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ rằng công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông còn khá sơ sài. Trước đó, trong buổi giao lưu với sinh viên Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), ông nhận xét phụ huynh và học sinh vẫn chọn nghề theo cảm giác, theo tên ngành thời thượng hay theo dư luận là sau này sẽ kiếm được nhiều tiền. Học sinh không biết mình yêu thích công việc gì nên khi vào đại học sẽ dễ sinh ra chán nản.
GS Ngô Bảo Châu cho biết sẽ thành lập các câu lạc bộ hướng nghiệp để hỗ trợ học sinh. Câu lạc bộ sẽ hướng đến việc trải nghiệm thực tế với sự giúp sức của những người bạn của giáo sư là những người thành công ở những lĩnh vực khác nhau.
GS Ngô Bảo Châu khẳng định, việc tăng cơ hội trải nghiệm thực tế cho học sinh ngay từ khi các em đang học trung học (cấp 2, cấp 3) là một điều cần thiết và không có gì khó khăn hay tốn kém quá nhiều chi phí.
Với thực trạng công tác hướng nghiệp hiện nay, mô hình câu lạc bộ hướng nghiệp của GS Ngô Bảo Châu có thể là một giải pháp “gỡ rối” rất nhiều cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên.
Một hội thảo hướng nghiệp từng nêu lên bất cập lớn là giáo viên hướng nghiệp ở trường phổ thông không được đào tạo nên họ chủ yếu hướng học sinh chọn trường nhiều hơn là chọn nghề.
Trong khi đa số học sinh “lơ mơ” về các ngành nghề, thì không ít phụ huynh chỉ muốn áp con theo những ngành thời thượng với hy vọng lương cao, hoặc học ngành có người quen đang làm để sau này dễ bề chạy việc. Và như vậy, các em không được góp tiếng nói, không được tham gia vào việc chọn ngành học của mình, hoặc có lên tiếng “yếu ớt” thì cũng bị người lớn gạt đi. Và thế là các em học sinh - người lao động tương lai, người chủ cuộc đời mình nhưng lại không được tự quyết ngành học, tức là đứng ngoài cuộc trước tương lai của mình. Với tâm lý được bố mẹ đã “bao sân” xin việc sau này, thì các em cũng dễ nảy sinh lối suy nghĩ “học cho bố mẹ”, hoặc là học hành “láng cháng” vì có thế nào cũng được bố mẹ lo xin việc.
Điều này đúng như lý giải của giáo sư tâm lý học Richard Wiseman (Đại học Hertfordshire, Anh): “Phần lớn tính cách của con người không cố định. Thay vào đó, họ thường chấp nhận vai trò được chỉ định bởi chính bản thân và người khác, cư xử tương ứng như vậy và sau đó hình thành một tính cách phù hợp với vai trò này”.
Chính việc bố mẹ quyết định ngành học thay cho con đã làm giảm sự cam kết của các em trong một quyết định hệ trọng trong cuộc đời.
Chuyên gia đàm phán người Mỹ Herb Cohen (1932-2010) khuyên rằng: “Luôn luôn giành sự cam kết của mọi người trong bất cứ công việc nào. Để họ tham gia vào một phần công việc”. Herb Cohen khẳng định: “Sự tham dự dẫn đến sự cam kết”.
Một khi học sinh phổ thông được tham gia vào việc lựa chọn ngành học của mình, thì các em lập tức trở thành người trong cuộc, việc này khiến các em tất yếu có trách nhiệm với lựa chọn của mình trong tiến trình trở thành một người lớn trưởng thành và tự lập.