Năm 1975, tôi là biên tập viên Phòng Thời sự quốc tế của Tạp chí Quân đội, nay là Tạp chí Quốc phòng toàn dân. Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn biến nhanh chóng mặt. Tấm bản đồ tác chiến trong phòng giao ban Ban Biên tập cứ mỗi ngày lại hiện lên hàng chục lá cờ đỏ đánh dấu các địa phương vừa được giải phóng. Cả phòng chúng tôi, từ Trung tá - Trưởng phòng Hoàng Dũng đến các sĩ quan như tôi và các anh Hoàng Khắc Nhu, Nguyễn Xuân Điều… bận tối mắt vì phải lo cập nhật thông tin, viết kịp các bài bình luận cho các số báo tiếp theo.
Giờ phút xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập. Ảnh tư liệu
Tôi còn nhớ, hôm ấy là sáng 30/4/1975, trời Hà Nội rực nắng, trong xanh, vời vợi những đám mây trắng xốp, trông rất đẹp mắt. Tôi báo cáo Trung tá Chu Quang Tiêu - Phó Trưởng phòng, sang Cục 2, nay là Tổng cục Tình báo, Bộ Tổng tham mưu để sưu tầm một số thông tin trên các báo của Sài Gòn và nước ngoài về diễn tiến của tình hình chiến sự. Trước khi ra khỏi tòa soạn, Đại tá Phạm Quang Cận – Phó Tổng biên tập dặn theo: “Đi nhanh mà về. Nhớ để tai cập nhật, nghe ngóng thông tin chiến sự từ nhiều nguồn nhé. Có thể có đột biến khó lường đó”. Khoảng 11h, tôi vừa tắt máy chiếc xe mô tô 3 bánh hiệu Trường Giang của Trung Quốc để bước lên sảnh tòa soạn thì cô Huế - nhân viên đánh máy chạy ra giục: “Anh vào ngay phòng giao ban để nghe Ban Biên tập thông báo nhanh tình hình chiến sự”.
Nhân dân Thủ đô Hà Nội mít tinh mừng miền Nam giải phóng 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Cả tòa soạn đã có mặt đầy đủ. Sau khi nghe Tổng Biên tập, Thiếu tướng Lê Hai trình bày vắn tắt diễn biến chiến cục mới nhất trên tấm bản đồ quân sự 1/1.000, mọi người dán tai vào chiếc radio trên bàn như muốn nuốt từng lời. Đúng 11h45’, bỗng vang lên giọng đọc hào sảng, pha lẫn hồi hộp của phát thanh viên Tuyết Mai: “Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11h30’ sáng nay, quân ta đã tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy. Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”. Không ai bảo ai, chúng tôi cùng nhảy lên reo to như những đứa trẻ, quên cả quân phong, quân kỷ, quên mất trong phòng còn có các thủ trưởng trong Ban Biên tập.
Non sông thống nhất, dân tộc Việt Nam đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh Zing.vn
Hòa với dòng người, chúng tôi đổ ra đường với chiếc máy ảnh trong tay, cố ghi lấy những giờ phút đầu tiên của đồng bào Thủ đô trước tin đại thắng. Có thể nói, bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ vỏn vẹn 58 từ mà có sức mạnh như một tiếng sét giữa thinh không, làm cả dân tộc vỡ òa trong niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Các tuyến phố Thủ đô không còn chỗ chen chân. Hầu như cả 36 phố phường Hà Nội chẳng ai ở nhà mình, cơ quan mình mà rùng rùng kéo nhau đổ dồn về Bờ Hồ, Quảng trường Ba Đình, nơi có Trung ương, có Bác. Ánh mắt tươi rói, nụ cười bừng nở trên khuôn mặt mỗi người. Nhiều cụ già, chị em phụ nữ vừa đi, vừa khóc như một đứa trẻ. Ai nấy đều mừng vì chiến tranh kết thúc rồi, chắc chắn được sống, được đoàn tụ rồi. Tiếng hò reo, hô khẩu hiệu tự phát vang lên đó đây: “Bác Hồ muôn năm!”; “Quân đội nhân dân Việt Nam vô địch muôn năm!”…
Không hiểu từ đâu ra mà nhiều cờ đỏ sao vàng đến thế. Cờ treo vội trên các ban công nhà riêng, trên các nhiệm sở, cờ trên tay dòng người cuồn cuộn chảy về Hồ Gươm. Tiếng hát, tiếng pháo nổ ran, nối tiếp nhau hòa thành một thứ âm thanh rất đáng yêu, diễn ra hầu khắp các tuyến phố.
Hà Nội - "trái tim" của cả nước. Ảnh tư liệu
Đi qua số nhà 58 phố Quán Sứ, gần Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi giật mình vì nghe tiếng hét rất to: “Vi va Việt Nam. Vi va Việt Nam!”. Thì ra đó là các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Cu Ba đổ cả ra đường, tay vẫy cờ Việt Nam, cờ Cu Ba, miệng hô vang “Việt Nam muôn năm” bằng hai thứ tiếng Cu Ba và Việt Nam đến lạc cả giọng.
Thủ đô Hà Nội cứ như thế suốt cả ngày 30/4. Mọi người cứ rồng rắn nối đuôi nhau đi mà không cần biết đi đâu. Họ hò hét, nhảy múa tưởng đến khản giọng, đứt hơi.
Trời đã về đêm. Trên các cột đèn đường, loa phóng thanh đang truyền đi bài ca “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sỹ Hoàng Hà. Bài hát với những giai điệu, ca từ hào sảng vút cao, đưa tâm hồn mọi người bay lên, say trong không gian của ngày hội non sông hoàn toàn giải phóng.