Theo kế hoạch vừa được UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các cấp có nhiệm vụ triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống tai nạn đuối nước tại địa phương hiệu quả, thiết thực, từng bước giảm thiểu các trường hợp tai nạn đuối nước; các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước có huấn luyện viên, hướng dẫn viên dạy bơi, nhân viên cứu hộ đuối nước được tập huấn kiến thức nghiệp vụ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị chuyên môn, vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật.
Cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước phải có huấn luyện viên, hướng dẫn viên dạy bơi, nhân viên cứu hộ đuối nước được tập huấn kiến thức nghiệp vụ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.
Chỉ tiêu cụ thể mà kế hoạch đặt ra là 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030.
90% trẻ em, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em vào năm 2025 và 95% vào năm 2030.
100% công chức, viên chức, cán bộ cấp tỉnh, huyện làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em.
80% cán bộ cấp xã, công chức, viên chức, giáo viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tập huấn các kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.
Các huyện, thành phố, thị xã, các cơ sở giáo dục triển khai kế hoạch, hướng dẫn, tư vấn, giáo dục kỹ năng an toàn trong môi trường nước, dạy bơi an toàn cho trẻ.
Nhiệm vụ và các giải pháp cần thực hiện là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội; xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em;
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể trong công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; kiện toàn và phát triển mạng lưới dịch vụ đảm bảo an toàn cho trẻ em trong môi trường nước; xây dựng môi trường an toàn, loại bỏ nguy cơ gây đuối nước trẻ em; triển khai công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các quy định an toàn về phòng, chống đuối nước trẻ em và nghiên cứu, thu thập thông tin số liệu về phòng, chống đuối nước trẻ em.
Kế hoạch cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan và các địa phương. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch; chủ trì theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã và tổng hợp, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, các tổ chức có liên quan triển khai các hoạt động dạy bơi cho trẻ em tại cộng đồng (trong đó ưu tiên trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn); phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ em trong dịp hè.
Tổ chức truyền thông, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em. Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, cộng tác viên, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Xây dựng tài liệu hoặc sao chép, nhân bản các sản phẩm truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra thực hiện, chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em. Thường xuyên rà soát, đề xuất kịp thời các cơ chế, chính sách, biện pháp hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em...
UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn quản lý phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em trên các địa bàn với nhiều hình thức phù hợp. Chú trọng, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho cha mẹ, trẻ em, học sinh và cộng đồng dân cư trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, phường.
Chỉ đạo với các cơ quan giáo dục, trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền cho học sinh và cung cấp thông tin để thông báo, nhắc nhở học sinh các cấp học về tình hình, nguy cơ xảy ra đuối nước trên địa bàn, các địa điểm cấm bơi, lội, nơi có biển cảnh cáo để học sinh không đến gần nhằm phòng, tránh tai nạn đuối nước.
Nghiên cứu, khảo sát tình hình trên địa bàn, đề xuất xây dựng và tổ chức - thực tập phương án phối hợp các lực lượng, phương tiện hiện có trên địa bàn tham gia xử lý các tình huống phức tạp về đuối nước như: nhiều trẻ em cùng bị đuối nước, đuối nước trong môi trường nước chảy xiết, lũ lụt,... để thống nhất về cơ chế thông tin chỉ huy, điều hành, huy động lực lượng, phương tiện và nhiệm vụ phối hợp giữa các lực lượng khi tham gia công tác phòng, chống đuối nước.
Phối hợp giữa các ngành, tổ chức, đặc biệt là đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các tổ chức, các thành viên Ban bảo vệ trẻ em cấp xã, cá nhân tình nguyện tham gia quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, các thời gian bão lũ, thiên tai để đảm bảo an toàn cho trẻ em, nhất là đuối nước. Tổ chức vận động các hộ gia đình cam kết trách nhiệm xây dựng ngôi nhà an toàn, bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Vận dụng các nguồn kinh phí từ ngân sách, huy động đầu tư từ các cá nhân, tổ chức xã hội đầu tư cơ sở vật chất phục vụ tổ chức dạy bơi trong cơ sở giáo dục. Tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.
Chỉ đạo, hướng dẫn việc tăng cường rèn luyện thể dục, thể thao, các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật cho trẻ em trong mùa hè.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động các hồ, đập, nhất là khi xả lũ đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng người dân vùng hạ du.
Tiến hành việc rà soát, lập bản đồ các điểm hố sâu, ao, hồ, sông, suối, bờ biển, bãi tắm, khu vực nước sâu, công trình chứa nước... thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước tại địa bàn; triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước như: Lắp đặt các rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm... giúp người dân và trẻ em biết phòng, tránh.